TỔNG QUAN HỆ THỐNG ẢNH HƯỞNG NHỔ RĂNG HÀM LỚN VĨNH VIỄN THỨ NHẤT Ở BỘ RĂNG HỖN HỢP

Lưu Minh Quang1, Nguyễn Thanh Huyền1, Võ Trương Như Ngọc1

1Đại học Y Hà Nội

Chịu trách nhiệm chính: Lưu Minh Quang

Email: minhquang7490@gmail.com

Ngày nhận bài: 15/7/2022

Ngày phản biện khoa học: 03/08/2022

Ngày duyệt bài: 20/08/2022

TÓM TẮT

Nghiên cứu tổng quan đánh giá ảnh hưởng của việc nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất lên quá trình đóng khoảng tự nhiên ở giai đoạn răng hỗn hợp và xác định thời điểm tối ưu để tiến hành nhổ răng hàm lớn thứ nhất. Có tất cả 1994 nghiên cứu được tìm thấy thông qua các từ tìm kiếm từ các cơ sở dữ liệu, sàng lọc nghiên cứu theo các tiêu chuẩn lựa chọn 10 tài liệu đã được đưa vào xem xét đánh giá theo các mục tiêu và phạm vi nghiên cứu, trong đó có 3 nghiên cứu cho phân tích gộp. Kết quả cho thấy tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên ở giai đoạn răng hỗn hợp dao động khá lớn từ 50%-100,0%; giai đoạn lý tưởng để nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất được cân nhắc ở độ tuổi trung bình dao động từ 8-11,3 tuổi, khi răng hàm lớn vĩnh viễn thứ hai ở giai đoạn E (theo ở Demirjian). Cần có các nghiên cứu theo dõi dọc đánh giá về ảnh hưởng của tuổi giới lên thời điểm nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất và so sánh ảnh hưởng của nhổ răng với hậu quả của các phương thức điều trị khác theo thứ tự để đi đến quyết định cho bệnh nhân.
Từ khóa: nhổ, răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất, bộ răng hỗn hợp

SUMMARY

This research evaluated the effects of first permanent molar extractions on the spontaneous space closure process at the mixed dentition stage and the optimal time to perform the extraction. We found 1995 studies in Pubmed and ScienceDirect databases. There were ten studies included based on inclusion/exclusion criteria. There were three included studies used for meta-analysis. The results showed that the rate of natural space closure in the mixed dentition stage is from 50% to 100.0%; the ideal time for extraction of the first permanent molars is at 8-11.3 years of age or when the second permanent molar is at stage E (according to in Demirjian). Longitudinal follow-up studies are needed to evaluate the effect of age and sex on the time of first permanent molar extraction and to compare the results of the extraction option with the outcomes of other alternative treatments to give a decision to patients.

Keywords: extraction, first permanent molars, mixed dentition stage

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ở Việt Nam sâu răng là một trong hai nguyên nhân gây mất răng sớm cùng với bệnh quanh răng. Trong đó, răng hàm lớn thứ nhất có vai trò quan trọng trong duy trì chức năng hệ thống nhai bình thường và sự hài hòa phức hợp sọ mặt [3]. Nghiên cứu tổng quan hệ thống của Saber về hậu quả nhổ răng hàm lớn thứ nhất ở trẻ từ 5-15 tuổi cho thấy có một vài hệ lụy của việc nhổ sớm các răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất, liên quan đến sự phát triển xương hàm và cung răng. Do vậy trước khi quyết định lựa chọn phương pháp điều trị các răng 6 bệnh lí tiên lượng kém cần cân nhắc nhiều yếu tố. Bên cạnh những trường hợp tổn thương không thể điều trị phục hồi mà chỉ định nhổ răng là hệ quả tất yếu thì việc quyết định điều trị phục hồi hay chủ động nhổ răng 6 thỏa hiệp, là quyết định rất khó khăn. Do vậy, nghiên cứu đánh giá toàn diện và khách quan ảnh hưởng của nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất ở bộ răng hỗn hợp là vô cùng cần thiết để hướng dẫn thực hành và định hướng các nghiên cứu trong tương lai. Vì vậy chúng tôi thực hiện nghiên cứu tổng quan này với mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của việc nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất lên quá trình đóng khoảng tự nhiên ở giai đoạn răng hỗn hợp và xác định thời điểm tối ưu để tiến hành nhổ răng hàm lớn thứ nhất.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu:

Tiêu chuẩn lựa chọn: Các nghiên cứu báo cáo về nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất ở giai đoạn răng hỗn hợp. Các nghiên cứu đáp ứng tiêu chí PICO (PRISMA).

Tiêu chuẩn loại trừ: Nhổ răng ở thời điểm bộ răng vĩnh viễn. Nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất vì mục đích chỉnh nha, nghiên cứu không thực hiện lâm sàng: như các tổng quan tài liệu, tổng quan hệ thống khác, báo cáo ca lâm sàng.

Thiết kế nghiên cứu: Tổng quan hệ thống và phân tích gộp tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên.

Phương pháp nghiên cứu:

Xác định tiêu chí lựa chọn nghiên cứu theo PICO

P – Đối tượng nghiên cứu: Trẻ em trong giai đoạn bộ răng hỗn hợp.

I – Can thiệp: Các đối tượng trong các nghiên cứu phải được nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất.

C – So sánh: Có nhóm so sánh trong nghiên cứu hoặc không.

O – Kết quả: Đóng khoảng tự nhiên

Cơ sở dữ liệu: Tìm kiếm tài liệu theo mục tiêu đã đặt ra; phương pháp tiếp cận tài liệu dựa theo phương pháp PICO. Lựa chọn tài liệu theo hướng dẫn PRISMA. Các tài liệu nghiên cứu được tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu y học trực tuyến như: Medline và Science Direct; Cochrane Library.

Câu lệnh tìm kiếm: #(Extraction OR loss OR removal) AND # (Permanent first molars) AND # (Mixed dentition OR transitional dentition) AND # (Timing of Extraction OR Extraction Space Closure)

Chọn lọc tài liệu: Nghiên cứu sử dụng phần mềm Endnote X7 để quản lí, kiểm tra, loại bỏ các nghiên cứu trùng lặp và trích dẫn các tài liệu tham khảo thu được trong quá trình thực hiện.

Đánh giá chất lượng nghiên cứu đưa vào: Nghiên cứu này lựa chọn công cụ STROBE để đánh giá điểm mạnh và hạn chế của nghiên cứu. Công cụ này bao gồm 22 mục, với các mức độ: 1-7 điểm (điểm mạnh yếu); 8-15 điểm (vừa); 16-22 (cao)

Đạo đức nghiên cứu. Nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng là các dữ liệu nghiên cứu đã công bố đảm bảo các yêu cầu về đạo đức nghiên cứu

Phân tích số liệu: Số liệu được lưu trữ và quản lý bằng phần mềm Excel. Tổng hợp mô tả các kết quả tìm thấy được thực hiện dưới dạng bảng hoặc biểu đồ. Đánh giá sự biến thiên giữa các nghiên cứu bằng test I2 – lượng giá mức độ dị chất. I2 là % tổng những khác biệt giữa các nghiên cứu do dị chất chứ không phải do may rủi, theo các mức độ <25% mức độ dị chất thấp; 25-75% trung bình >75% cao [5].

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả tìm kiếm nghiên cứu:

Kết quả tìm kiếm tài liệu các nghiên cứu có 1.995 nghiên cứu được tìm từ Pubmed (n = 83), Scien direct (n=1.912) được quản lý bằng phần mềm Endnote X9, trong đó có 132 nghiên cứu đã được loại bỏ do trùng lặp, 1.863 nghiên cứu còn lại tiếp tục được sàng lọc tiêu đề, tóm tắt. Theo đó, có 1.790 nghiên cứu bị loại do không đúng chủ đề nghiên cứu; sau sàng lọc còn 73 nghiên cứu. Tuy nhiên có 34 nghiên cứu bị loại do không đáp ứng tiêu chí lựa chọn và tiêu chí loại trừ hoặc không có bản toàn văn. 39 nghiên cứu được đánh giá là phù hợp với tiêu chuẩn, tuy nhiên có 29 nghiên cứu bị loại do nghiên cứu nhổ răng hàm vĩnh viễn 1 do chỉnh da, tuổi nhổ răng trên 15 tuổi…Sau cùng chỉ còn 10 nghiên cứu đáp ứng đủ tiêu chuẩn và đưa vào tổng quan, trong đó có 3 nghiên cứu có báo cáo chỉ số về đóng khoảng tự nhiên sau nhổ răng hàm vĩnh viễn thứ nhất được đưa vào phân tích gộp. Kết quả tìm kiếm tài liệu được trình bày ở Hình 1.

1

Sơ đồ 1. Quy trình tìm kiếm và lựa chọn nghiên cứu (PRISMA)

Đánh giá chất lượng nghiên cứu theo bảng kiểm STROBE: các nghiên cứu được đánh giá dựa trên 22 mục của bảng kiểm STROBE, dao động khoảng 5-14 điểm; trong đó hầu hết các nghiên cứu đều được xếp vào nhóm có chất lược trung bình, nghiên cứu Teo và CS (2015) [17] có điểm STROBE cao nhất 14 điểm; có nghiên cứu của Rahhal được đánh giá có điểm STROBE thấp (6 điểm).

Các nghiên cứu hầu hết đều sử dụng phương pháp mô tả cắt ngang có hồi cứu hoặc theo dõi dọc, với thời gian theo dõi 4-5 năm. Đối tượng tham gia nghiên cứu là trẻ em có độ tuổi trung bình dao động ở khoảng 13 tuổi.

Bảng 1. Đặc điểm các nghiên cứu và đánh giá hưởng của việc nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất lên quá trình đóng khoảng tự nhiên ở giai đoạn răng hỗn hợp

2

Có 6 nghiên cứu đánh giá hưởng của việc nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất lên quá trình đóng khoảng tự nhiên ở giai đoạn răng hỗn hợp, trong đó có 3 nghiên cứu cắt ngang, 2 nghiên cứu quan sát theo dõi dọc hồi cứu. Tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên dao động trong khoảng khá rộng 45,5% – 100,0%. 4 Nghiên cứu Birgitta Jälevik, 2007 [6], Ahmad A. Rahhal [9], 2014, T. K. Y. Teo, 2013[13], G Serindere [11] có tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên cao, tuy nhiên 2 nghiên cứu còn lại tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên thấp hơn khoảng 50%. Trong 2 nghiên cứu của Birgitta Jälevik, 2007 [6] và T. K. Y. Teo, 2013 [13] cho thấy tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên ở hàm trên cao hơn so với hàm dưới, tuy nhiên trong nghiên cứu của Rãducanu et al., [8] có tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên hàm trên thấp hơn so với hàm dưới.

3

Biểu đồ 1. Forest plot cho phân tích gộp so sánh đóng khoảng tự nhiên hàm trên

 và hàm dưới

Hệ số bất đồng nhất I2=0 cho thấy không có sự khác biệt giữa các nghiên cứu trong phân tích. Kết quả phân tích chỉ ra hệ số OR chung: 0,99 (95%CI: -0,36-2,34), tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p = 0,4 > 0,05.

4

Biểu đồ 3. Biểu đồ funnel đánh giá khả năng thiên vị xuất bản

Kiểm tra khả năng thiên vị trong xuất bản (publication bias): biểu đồ Funnel để kiểm tra thiên vị xuất bản. Theo đó không có nghiên cứu nào ở ngoài biểu đồ Funnel, với 2 nghiên cứu bên trong biểu đồ funnel đều tập trung đối xứng ở trục, có 1 nghiên cứu ở góc phải. Như vậy, có tồn tại thiên vị xuất bản nhất định trong nghiên cứu.

Bảng 2. Thời điểm tối ưu để tiến hành nhổ răng hàm lớn thứ nhất

5

Có 9 nghiên cứu đánh giá thời điểm tối ưu để tiến hành nhổ răng hàm lớn thứ nhất, độ tuổi trung bình dao động từ 8-11,3 tuổi; thời điểm nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất ở giai đoạn E (theo Demirjian).

IV. BÀN LUẬN

Chúng tôi thực hiện tổng quan trên 6 nghiên cứu đánh giá về ảnh hưởng của việc nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất lên quá trình đóng khoảng tự nhiên ở giai đoạn răng hỗn hợp. Trong các nghiên cứu này, tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên ở khoảng 45,5-100%. Tỷ lệ đóng khoảng cao nhất ở nghiên cứu của G Serindere [11] (100%). Đây là nghiên cứu có tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên cao nhất. Kết quả nghiên cứu cho thấy răng đối diện được nhổ, thì tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên là 50% cho cả hàm, tất cả răng răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất nhổ thì tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên là 100%. Kết quả này cũng gợi ý tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên sẽ cao hơn khi răng đối diện được nhổ. Nghiên cứu của Birgitta Jälevik [6] cũng có tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên cao (94,0%), trong nghiên cứu này sử dụng phương pháp để đánh giá sự mọc răng vĩnh viễn, đóng khoảng tự nhiên qua X-quang panorama, X-quang răng cánh cắn, mẫu thạch cao và ảnh. Kết quả nghiên cứu của Rãducanu [8] cho kết quả tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên thấp, điều này có thể do nghiên cứu có cỡ mẫu nhỏ, khoảng dao động tuổi của bệnh nhân lớn.

Tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên ở hàm trên từ 33,3%-94,0% và hàm dưới là 50-75%. Tỷ lệ đóng khoảng thấp nhất ở hàm trên là 33,3% trong nghiên cứu của Rãducanu [8], cao nhất tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên hàm trên trong nghiên cứu của T. K. Y. Teo, 2013 [13]. Trong nghiên cứu này có cỡ mấy khá lớn và bệnh nhân có răng hàm lớn vĩnh viễn thứ hai ở giai đoạn phân chia chân răng sớm, điều này giải thích tại sao tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên hàm trên lại cao. Chúng tôi không thể so sánh tỉ lệ đóng khoảng tự nhiên sau nhổ răng ở các giai đoạn khác, do dữ liệu về những chỉ số này không đầy đủ.  Kết quả của T. K. Y. Teo [13] chia khoảng đóng tự nhiên thành 5 mức độ trong đó mức độ thứ nhất là đóng khoảng tự nhiên hoàn toàn giữa điểm tiếp xúc bên của răng hàm vĩnh viễn thứ hai và răng hàm nhỏ thứ hai. Khoảng đóng tự nhiên hoàn toàn ở hàm trên (94,0%) cao hơn so với hàm dưới (66,0%), p<0,01. Nghiên cứu của Teo [13] cho thấy khoảng đóng tự nhiên ở hàm trên cao hơn so với hàm dưới (94% và 66%, p<0,05), nghiên cứu của Birgitta Jälevik, 2007 [6] có tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên ở hàm trên so với hàm dưới là 81,6% và 75%.

Nghiên cứu của Terry Kuo-Yih Teo [12]  và Eichenberger [4] cho rằng sự hiện diện của răng hàm thứ ba có thể có tác động tích cực đến đóng khoảng tự nhiên hàm dưới. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ được thực hiện cho vòm hàm dưới, vì vậy hàm trên và hàm dưới có thể không được so sánh.

Phân tích gộp thực hiện ở 3 nghiên cứu cho thấy đóng khoảng tự nhiên ở hàm trên thường gặp hơn ở hàm dưới, tuy nhiên sự khác nhau không có ý nghĩa thống kê. Sự khác biệt trong cách mọc răng hàm trên và hàm dưới có thể là lý do mà hàm trên cho thấy khả năng đóng khoảng tự nhiên tốt hơn. Tuy nhiên, trong những trường hợp răng hàm vĩnh viễn lớn thứ nhất đang ở giai đoạn phân nhánh sớm, tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên chỉ đạt 66,0% ở hàm dưới. Theo giải thích của Gill [5] nhổ răng hàm vĩnh viễn lớn thứ nhất trước giai đoạn này sẽ có kết quả đóng khoảng tự nhiên không hoàn toàn. Nếu răng hàm vĩnh viễn lớn thứ nhất được nhổ trong và sau khi mọc răng hàm vĩnh viễn lớn thứ hai, đóng khoảng tự nhiên thường không đạt được. Điều này được giải thích có thể do lực nhai làm nghiêng răng hàm lớn vĩnh viễn thứ hai, xương ổ răng tại vùng nhổ hẹp hơn, do đó ảnh hưởng đến khả năng đóng khoảng tự nhiên. Nghiên cứu Ahmad A. Rahhal [9] cho thấy 84,6% răng hàm lớn vĩnh viễn thứ hai ở hàm dưới đóng khoảng tự nhiên mà không cần can thiệp chỉnh nha nào. Tuy nhiên nghiên cứu này cũng có một số hạn chế, như không đề cập đến tuổi đánh giá, thiếu nhóm chứng và thời gian theo dõi không rõ ràng. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ được thực hiện trên hàm trên, vì vậy không thể so sánh giữa hàm trên và hàm dưới.

Về thời điểm tối ưu để tiến hành nhổ răng hàm lớn thứ nhất, một số nghiên cứu đánh giá thời điểm nhổ răng dựa trên các giai đoạn phát triển răng của Demirjian. Trong phân loại của này, giai đoạn E chân răng ngắn hơn thân răng, thành của buồng tủy thẳng và sừng tủy nhận diện rõ hơn giai đoạn trước. Vùng chẽ chân răng bắt đầu khoáng hóa. Giai đoạn F thành buồng tủy có dạng tam giác với hai cạnh bằng nhau, chân răng dài bằng hay hơn thân răng, phần tận cùng của chân răng có dạng hình phễu. Giai đoạn G: Các thành ống tủy chân răng song song nhưng phần chóp còn mở rộng [1]. Hai trong số các nghiên cứu bao gồm [12, 13] gợi ý rằng thời điểm tối ưu để nhổ răng hàm lớn thứ nhất là khi quá trình phát triển giai đoạn E. Ngoài ra đóng khoảng tự nhiên của răng hàm vĩnh viễn lớn thứ hai được phát triển ở giai đoạn E, F. Tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên ở răng hàm lớn vĩnh viễn thứ hai là 58,0% khi ở giai đoạn E, 56,5% ở giai đoạn F. Tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê p>0,05.

Nghiên cứu của Thunold [14] chỉ ra rằng thời gian lý tưởng việc nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất ở hàm dưới là 8‑9 tuổi. Kết quả này khá gần với kết quả nghiên cứu của Afnan M Saber và các cộng sự là 8-10,5 tuổi [10]. Bên cạnh đó, các nghiên cứu của Rãducanu [8] cho rằng thời điểm nhổ răng sau 11 tuổi làm cho việc đóng khoảng tự nhiên hiếm khi xảy ra. Albadri [3] cũng cho kết quả tương tự ở đối tượng có thời điểm nhổ răng hàm lớn thứ nhất lớn hơn tuổi cho phép.  Khi nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất ở độ tuổi lí tưởng, giai đoạn này thân răng hàm lớn vĩnh viễn thứ hai mới hình thành, việc mọc răng tự nhiên của răng này cho kết quả có khớp cắn tốt với răng hàm nhỏ thứ hai, và tự cải thiện chen chúc răng trước do sự tự dàn đều khi có khoảng trống nhổ răng. Nếu răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất được nhổ sớm hơn giai đoạn lý tưởng, các nghiên cứu cho rằng răng hàm lớn thứ hai sẽ có nguy cơ cao hơn bị nghiêng gần. Ngoài ra, trong quá trình đó răng hàm nhỏ thứ hai hàm dưới có thể gây ảnh hưởng chống lại sự di gần răng hàm lớn vĩnh viễn thứ hai và sẽ tạo khoảng cách giữa răng đầu tiên và răng hàm nhỏ thứ hai.

V. KẾT LUẬN

Đối với việc ảnh hưởng của việc nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất lên cho thấy tỷ lệ đóng khoảng tự nhiên ở giai đoạn răng hỗn hợp dao động khá lớn từ 50%-100,0%. Quyết định nhổ răng hàm dưới khó khăn hơn so với răng hàm trên, bởi vì di chứng liên quan nhiều hơn hàm trên. Có thể kết luận rằng giai đoạn lý tưởng đẻ nhổ răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất được cân nhắc ở độ tuổi trung bình dao động từ 8-11,3 tuổi, khi răng hàm lớn vĩnh viễn thứ hai ở giai đoạn E (theo ở Demirjian).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Bích Lý và Lê Đức Lánh (2011), “Ước lượng tuổi răng theo phương pháp Demirjian”, Tạp chí Y dược học Tp. Hồ Chí Minh. 15, tr. 11-21.
  2. Trần Văn Trường và Trịnh Đình Hải (2001), “Kết quả điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc ở Việt Nam 1999 – 2000”, Tạp chí Y học Việt Nam, (10), tr. 8-21.”, Tạp chí Y học Việt Nam. 10, tr. 8-21.
  3. S Albadri và các cộng sự. (2007), “Extraction of first permanent molar teeth: results from three dental hospitals”. 203(7), tr. E14-E14.
  4. M Eichenberger và các cộng sự. (2015), “The timing of extraction of non-restorable first permanent molars: a systematic review Introduction”. 16(4), tr. 8-272.
  5. Julian PT Higgins và các cộng sự. (2003), “Measuring inconsistency in meta-analyses”. 327(7414), tr. 557-560.
  6. Birgitta Jälevik và Marie Möller (2007), “Evaluation of spontaneous space closure and development of permanent dentition after extraction of hypomineralized permanent first molars”, International journal of paediatric dentistry. 17(5), tr. 328-335.
  7. David Normando và Cristina Cavacami, Dental Press Journal of Orthodontics (2010), “The influence of bilateral lower first permanent molar loss on dentofacial morfology: a cephalometric study”. 15, tr. 100-106.
  8. Anca Maria Rãducanu và các cộng sự. (2009), “Prevalence of loss of permanent first molars in a group of Romanian children and adolescents”. 2(4), tr. 7.
  9. Ahmad A.Rahhal, Open Journal of Stomatology Rahhal (2014), “Extraction timing of heavily destructed upper first permanent molars”. 2014.
  10. Afnan M.Saber và các cộng sự. (2018), “Consequences of early extraction of compromised first permanent molar: a systematic review”. 18(1), tr. 1-15.
  11. G.Serindere và các cộng sự. (2019), “Effects of first permanent molar extractıon on space changes observed in the dental arch using data mining method”. 22(7), tr. 936-942.
  12. Terry Kuo-Yih Teo, Paul Francis Ashley và Donald Derrick, European journal of orthodontics Derrick (2016), “Lower first permanent molars: developing better predictors of spontaneous space closure”. 38(1), tr. 90-95.
  13. TKY Teo và các cộng sự. (2013), “The evaluation of spontaneous space closure after the extraction of first permanent molars”. 14(4), tr. 207-212.
  14. K.Thunold (1970), Early loss of the first molars 25 years after, Report of the congress. European Orthodontic Society, tr. 349-365.

( Nguồn: Số 518, tháng 9/2022, Tạp chí Y Học Việt Nam, trang 121-130, link full tạp chí: Pdf Link)