Nguyễn Trọng Nghĩa1, Lê Văn Đoàn2, Nguyễn Văn Điều1, Trần Ngọc Anh1
1Học viện Quân y
2Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Trọng Nghĩa
Email: nghia.dr@gmail.com
Ngày nhận bài: 12/7/2022
Ngày phản biện khoa học: 26/7/2022
Ngày duyệt bài: 13/08/2022
TÓM TẮT
SUMMARY
ANATOMICAL INVESTIGATION OF THE DEEP PLANTAR ARTERY IN ADULT VIETNAMESE PEOPLE
Objectives: To identify anatomical investigation of deep plantar artery in adult Vietnamese people. Subjects and methods: A cross-sectional study on 50 feet of 25 adult Vietnamese corpses preserved at the Anatomy Department of Pham Ngoc Thach Medical University, from June 2018 to June 6/ 2021. Results and discussion: The deep plantar artery was found in 50/50 specimens, of which 49/50 cases of deep plantar artery originated from the dorsal pedis artery. There was no statistically significant difference in the length of the deep plantar artery from different original. The mean diameter of the deep plantar artery at the origin was 1.68 ± 0.43 mm, the mean diameter of the deep plantar artery at the end was 1.61 ± 0.41 mm, the arterial size Deep plantar fascia did not have statistically significant differences in gender, arterial origin with p>0.05.
Conclusion: The deep plantar artery is anatomically suitable as an alternative blood supply to preserve the foot in the presence of foot vascular injury.
Keywords: dorsal perdis artery, first deep plantar artery.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tính toàn vẹn về cấu trúc và chức năng của các bộ phận khác nhau trong bàn chân phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp máu của chúng. Hệ thống động mạch của bàn chân đã thu hút sự chú ý của các nhà giải phẫu và bác sĩ phẫu thuật vì tầm quan trọng lâm sàng và sự đa dạng trong giải phẫu của nó. Hiểu biết chi tiết, đầy đủ về vị trí, kích thước, liên quan của chúng là cần thiết cho những can thiệp sâu hơn nữa trong việc tái tạo động mạch [1]. Sự phát triển của phẫu thuật mạch máu và kỹ thuật vi phẫu đã cho phép thực hiện nhiều hơn các chỉ định phẫu thuật tái lập lưu thông các mạch máu chi dưới từ những nguồn mạch xa. Việc tái tạo như vậy thường tránh được việc cắt cụt chi trong các trường hợp chấn thương động mạch do tai nạn ô tô và công nghiệp, cũng như ở bệnh nhân tiểu đường và thiếu máu cục bộ nghiêm trọng ở các chi dưới [2]. Nhiều nhánh nối đã được mô tả giữa hệ thống động mạch mu chân và động mạch gan chân. Trong đó, nhánh nối chính và phổ biến nhất được mô tả là động mạch gan chân sâu (ĐMGCS)– một trong hai nhánh tận của động mạch mu chân. qua khe giữa 2 đầu nguyên ủy của cơ liêncốt mu chân I, xuống gan chân nối với động mạch gan chân ngoài. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về ĐMGCS trên người trưởng thành như: Nghiên cứu của N. Hamada trên người Nhật [2], nghiên cứu của X. Papon trên người Pháp [3]. Tuy nhiên, các kết quả khác nhau về cả hình dạng, sự phân bố cũng như kích thước động mạch. Sự khác biệt về chủng tộc cũng như phương pháp nghiên cứu có thể là nguyên nhân chính dẫn đến những sự khác biệt này. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm: Tìm hiểu các đặc điểm giải phẫu của động mạch gan chân sâu trên xác người Việt trưởng thành bình thường.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Đối tượng nghiên cứu:
50 bàn chân từ 25 xác hiến người Việt trưởng thành không có bất thường về cấu trúc bàn chân được bảo quản tại Bộ môn Giải phẫu – Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ tháng 6/2018- 6/2021.
- Phương pháp nghiên cứu:
* Thiết kế nghiên cứu: Tiến cứu, mô tả cắt ngang.
* Phương pháp tiến hành:
Phẫu tích trực tiếp trên các tiêu bản bàn chân đã được ướp formalin tại phòng thực tập của Bộ môn Giải phẫu – Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Phương pháp phẫu tích theo phương pháp kinh điển, bộc lộ cuống mạch đến những nhánh nhỏ nhất có thể phẫu tích được, kĩ thuật bóc tách được tiến hành theo Lisowski (2004) [Error! Reference source not found.]. Các kết quả được ghi nhận bằng đo đạc, vẽ, chụp ảnh.
- Phẫu tích xác định và đánh dấu các mốc giải phẫu của động mạch gan chân sâu
Tư thế tiêu bản: chân thẳng, bàn chân vuông góc với cổ chân.
Xác định đường chuẩn: là đường kẻ từ trung điểm của đường thẳng nối mắt cá trong và ngoài, tới điểm chính giữa nền mu ngón III.
Xác định khớp bàn ngón chân I, tay ấn vùng hõm khi ngón chân I gấp xác định khớp bàn ngón chân I, lấy kim chọc thăm dò xác định khe khớp.
Bước 1: Rạch da ở vị trí tương ứng đương chuẩn đích là đường kẻ từ trung điểm của đường thẳng nối mắt cá trong và ngoài tới điểm chính giữa nền mặt mu ngón chân thứ 3. Tìm động mạch mu chân xác định vị trí động mạch mu chân phẫu tích tiếp xuống dưới đến khoang gian đốt I-II.
Bước 2: Phẫu tích sâu xuống dưới vào trong, mở cửa sổ cơ duỗi dài ngón cái. Tìm động mạch mu đốt bàn chân I và động mạch gan chân sâu. Phẫu tích dọc theo động mạch gan chân sâu tới khi phân chia thành các động mạch gan đốt bàn.
Hình 2: Xác định tận cùng, đo kích thước động mạch gan chân sâu
Các chỉ tiêu đánh giá:
Nguyên ủy, đường đi, liên quan động mạch gan chân sâu.
Chiều dài động mạch gan chân sâu: được đo từ điểm nguyên uỷ của động mạch gan chân sâu tại vị trí động mạch xuất hiện, điểm kết thúc tại thân chung khi động mạch gan chân sâu chia thành các nhánh động mạch gan đốt bàn chân I hoặc hợp với cung động mạch gan chân.
Khoảng cách nguyên ủy đến khớp bàn ngón chân I: từ nguyên ủy động mạch gan chân sâu đến khớp bàn ngón chân I.
Đường kính tại nguyên ủy: đo cách nguyên ủy 5 mm về phía tận.
Đường kính tận: đo tại vị trí tận cách 5 mm vị trí chia nhánh thành các nhánh động mạch gan đốt bàn chân I hoặc hợp với cung động mạch mu chân.
Kích thước của mạch máu được đo bằng thước kẹp Palmer có độ chính xác 0,1 mm. Sau khi phẫu tích, dùng kim cố định mạch máu trước khi tiến hành đo để tránh bị xê dịch, biến dạng, mất liên quan hay bị đứt. Đo chu vi bằng cách kẹp dẹt mạch máu cho hai mặt mạch máu ép sát vào nhau và đo đường kính dẹt (D) rồi tính ra đường kính tròn theo công thức quy đổi theo hệ số:
Đường kính tròn = 2D/3,1416 x1,18
Với: D là đường kính dẹt của động mạch.
1,18 là tỷ lệ co mạch khi xác được bảo quản trong Formol.
Các mạch máu, nhánh mạch được đo phải có đường kính tối thiểu 0,2mm. Chiều dài tương đối của các mạch máu được tính từ nguyên ủy đến chỗ chia nhánh lớn đầu tiên.
Số liệu được mã hóa, quản lý bằng phần mềm SPSS 20.0.
III. KẾt quẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬn
3.1. Đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu
Chúng tôi thực hiện nghiên cứu trên số lượng xác chân phải và trái bằng nhau, đều là 25 chân mỗi bên. Giới tính của xác gần tương đương nhau, ở nam là 24 chân, nữ là 26 chân.
3.2. Đặc điểm giải phẫu động mạch gan chân sâu
3.2.1. Nguyên ủy động mạch gan chân sâu.
Biểu đồ 3.1. Nguyên ủy động mạch gan chân sâu
Trong nghiên cứu của chúng tôi, ĐMGCS được tìm thấy ở cả 50 tiêu bản. Nguyên ủy của ĐMGCS có 49/50 trường hợp xuất phát từ động mạch mu chân, có 1 trường hợp xuất phát từ cung động mạch gan chân. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự một số kết quả nghiên cứu đã công bố như: trong nghiên cứu của X. Papon, ĐMGCS được tìm thấy ở 16/20 tiêu bản có nguyên ủy tách ra từ động mạch mu chân [3], nghiên cứu của J. H. Whelan [4], ĐMGCS được tìm thấy ở 43/54 tiêu bản có nguyên ủy tách ra từ động mạch mu chân. Hai tác giả trên không xét đến những ĐMGCS không là nhánh của động mạch mu chân.
3.2.2. Đặc điểm chiều dài động mạch gan chân sâu và khoảng cách nguyên ủy đến khớp bàn ngón chân I.
Bảng 3.1. Liên quan giữa chiều dài với nguyên ủy của động mạch mu đốt bàn chân I
Chiều dài trung bình ĐMGCS là 12,20 ± 3,50 mm, ngắn nhất là 6,9 mm, dài nhất là 22,6 mm. Chiều dài ĐMGCS không có sự khác biệt nhiều khi xuất phát từ các nguyên ủy khác nhau. Kết quả trên tương tự kết quả nghiên cứu của X. Papon (1998) trên các ĐMGCS có nguyên ủy từ động mạch mu chân có chiều dài trong khoảng 8-15mm [3].
Bảng 3.2: Liên quan giữa khoảng cách từ nguyên ủy đến khớp bàn ngón chân I với nguyên ủy của động mạch gan chân sâu
Khoảng cách nguyên ủy ĐMGCS đến khớp bàn ngón chân I trung bình là 34,28 ± 21,15 mm, ngắn nhất là 3,83 mm, dài nhất là 67,11 mm. Không có sự khác biệt về khoảng cách từ nguyên ủy đến khớp bàn ngón chân khi động mạch xuất phát từ các nguyên ủy khác nhau. Kết quả của chúng tôi có phần thấp hơn kết quả nghiên cứu của Whelan và cộng sự trên 43 tiêu bản bàn chân cho thấy nguyên ủy của ĐMGCS nằm cách 11,5 ± 3,9mm (4,5 – 24,7mm) đến nguyên ủy đến khớp bàn ngón chân I [4]. Sự khác biệt có thể đến do cỡ mẫu của 2 nghiên cứu còn nhỏ trong khi đó, khoảng cách nguyên ủy ĐMGCS đến khớp bàn ngón chân I có giá trị giao động khá lớn.
3.2.3. Đặc điểm đường kính động mạch gan chân sâu
Bảng 3.3: Liên quan nguyên ủy với đường kính nguyên ủy và đường kính tận của động mạch gan chân sâu
Đường kính nguyên ủy ĐMGCS trung bình là 1,93 ± 1,74 mm, nhỏ nhất là 0,67 mm, lớn nhất là 13,6 mm; đường kính tận ĐMGCS trung bình là 1,61 ± 0,41 mm, nhỏ nhất là 0,66 mm, lớn nhất là 3,20 mm. Không có sự khác biệt kích thước đường kính khi khác nhau về nguyên ủy của ĐMGCS. Kết quả nghiên cứu của X. Papon (1998) trên ĐMGCS đều có nguyên ủy từ động mạch mu chân có kích thước trung bình nguyên ủy 2,2 mm, chiều dài ĐMGCS trong khoảng 8-15mm không khác biệt quá nhiều so với kích thước của chúng tôi [3].
Bảng 3.4: Liên quan đường kính nguyên ủy, đường kính tận của động mạch gan chân sâu với hai bên chân
Đường kính nguyên ủy và đường kính tận ĐMGCS không có sự khác biệt ở hai bên chân, với p > 0,05. khoảng cách từ nguyên ủy ĐMGCS đến khớp đốt bàn chân I phân bố không đều, chủ yếu trong khoảng từ 40 – 60 mm. Đường kính nguyên ủy của ĐMGCS khá nhỏ, chủ yếu dưới 3,5 mm. Kết quả này tương tự kết quả nghiên cứu của Ozer và cộng sự với kết quả đường kính ĐMGCS là 1.7 mm ± 0.4 mm [5].
Việc sử dụng ĐMGCS với tư cách là nguồn cấp máu thay thế để bảo tồn bàn chân khi có tổn thương mạch máu bàn chân đã được nghiên cứu từ lâu [6]. Vai trò của ĐMGCS là đường nối chính hệ thống động mạch mu chân và gan chân, tái thông mạch của gan chân sâu cho phép phục hồi hệ động mạch cấp máu thỏa đáng của chân, mục tiêu chính là để bảo tồn các chi. Khả năng tiếp cận của nó theo đường mu chân, kích thước trung bình của nó và sự vắng mặt của các động mạch khác bị tắc hoặc tổn thương làm cho động mạch này là một vị trí giải phẫu có thể có cho mối nối xa của một đường vòng. Trong các trường hợp động mạch mu chân và động mạch chày sau bị huyết khối, với sự tăng tưới máu bù của ĐMGCS và cung động mạch gan chân sâu, bằng kĩ thuật bắc cầu nối (bypass) từ động mạch chày trước xuống ĐMGCS được xem xét thực hiện. Tuy nhiên vì mục đích trên hết là cứu chi, giải pháp thay thế cho việc cắt cụt chi này có thể chấp nhận các tổn thương thiểu dưỡng khoang liên cốt I, lúc này tuần hoàn bàng hệ được kỳ vọng còn tốt để cấp máu cho khoang liên cốt I. Ngoài ra khi trường hợp động mạch mu chân không có và động mạch mu đốt bàn chân I kích thước nhỏ hơn 1mm thì ĐMGCS được nghiên cứu xem xét cùng kĩ thuật ghép mạch làm cuống mạch vạt cấp máu cho vạt ngón chân I- II.
IV. KẾT LUẬN
Sự xuất hiện của ĐMGCS được tìm thấy ở 50/50 tiêu bản, trong đó 49/50 trường hợp ĐMGCS có nguyên ủy từ động mạch mu chân. Chiều dài ĐMGCS không có sự khác biệt nhiều khi xuất phát từ các nguyên ủy khác nhau. Khoảng cách từ nguyên ủy đến khớp bàn ngón chân I với nguyên ủy của động mạch gan chân sâu trung bình là 34,28 ± 21,15 mm. Đường kính trung bình nguyên ủy ĐMGCS là 1,68 ± 0,43 mm, đường kính trung bình tận của ĐMGCS là 1,61 ± 0,41 mm, kích thước ĐMGCS không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về giới, nguyên ủy động mạch với p>0,05. Những đặc điểm trên cho thấy ĐMGCS có thể được sử dụng là nguồn cấp máu thay thế để bảo tồn bàn chân khi có tổn thương mạch máu bàn chân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Yamada, T., et al., Variations of the arterial anatomy of the foot. The American Journal of Surgery, 1993. 166(2): p. 130-135.
- Hamada, N., Y. Ikuta, and A. Ikeda, Arteriographic study of the arterial supply of the foot in one hundred cadaver feet. Cells Tissues Organs, 1994. 151(3): p. 198-206.
- Papon, X., et al., Anatomic study of the deep plantar artery: potential by-pass receptor site. Surgical and Radiologic Anatomy, 1998. 20(4): p. 263-266.
- Whelan, J.H., et al., Location of the deep plantar artery: a cadaveric study. Journal of the American Podiatric Medical Association, 2020. 110(6).
- Ozer, M.A., F. Govsa, and O. Bilge, Anatomic study of the deep plantar arch. Clinical Anatomy: The Official Journal of the American Association of Clinical Anatomists and the British Association of Clinical Anatomists, 2005. 18(6): p. 434-442.
- Veith, F. and J. Frank, Abords inhabituels des artères du membre inférieur, in Voies d’abord des vaisseaux. 1995, Amette Blackwell Paris. p. 299-310.
( Nguồn: Số 518, tháng 9/2022, Tạp chí Y Học Việt Nam, trang 100-107, link full tạp chí: )