Giáo sư – Tiến sĩ Y học Nguyễn Quang Quyền, một tài năng đặc biệt

      Bác sĩ, giáo sư y khoa, nhà nhân trắc học, nhân chủng học Nguyễn Quang Quyền sinh ngày 23 tháng 9 năm 1934 tại Hải Phòng là chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực giải phẫu học, nhân chủng học và nhân trắc học. Ông là một trong các giáo sư y khoa xuất sắc, hiếm có, không hề được đào tạo ở nước ngoài mà chỉ tự nghiên cứu khoa học đã trở thành nhà khoa học, giáo sư đứng đầu Việt Nam trên cả ba lĩnh vực: giải phẫu học, nhân chủng học, nhân trắc học của y học hiện đại.

Image2

         Nguyễn Quang Quyền cùng hai người anh em ruột của ông đều sinh ra và sống những năm thơ ấu tại Hải Phòng nhưng nguyên quán của dòng họ Nguyễn của ông lại ở làng Lai Xá, huyện Hoài Đức, tỉnh Sơn Tây cũ. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Đính di cư đến lập nghiệp ở Hải Phòng trong những năm 1930. Tại đây cụ mở hiệu ảnh Phúc Lai nổi tiếng và kết hôn với một người phụ nữ địa phương là bà Nguyễn Thị Thoa rồi sinh ra ba người con trai, sau này đều trở thành những nhà khoa học tên tuổi. Trong đó người con cả là nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu, người con thứ hai là nhà giải phẫu và nhân trắc học Nguyễn Quang Quyền, còn người con thứ ba là nhà hóa học Nguyễn Quý Đạo. Hai người anh em ruột của ông cũng đều là những nhà khoa học tên tuổi, từng được trao tặng danh hiệu “Vinh danh nước Việt”, hiện đang định cư tại Pháp là nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu (mất tháng 1 năm 2021 tại Pari) và nhà hóa học Nguyễn Quý Đạo.
          Gia đình Nguyễn Quang Quyền là một gia đình tư sản dân tộc đi theo cách mạng, ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ những ngày mới thành lập. Cha của ông (ông Nguyễn Văn Đính) đã từng là Trưởng ban Cứu tế xã hội của Ủy ban hành chính Hải Phòng, Trưởng ban Kinh tế liên tỉnh Hồng Quảng (sau Cách mạng tháng Tám), từng bị phòng Nhì của Pháp bắt giam với lý do “đã tham gia Việt Minh”. Mẹ của ông (bà Nguyễn Thị Thoa) là ứng cử viên Quốc hội khóa đầu tiên, Ủy viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ Hải Phòng năm 1946.
          Thuở nhỏ ông học tiểu học tại Hải Phòng, sau đó tiếp tục học tại trường Chu Văn An ở Hà Nội. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là sinh viên trường Đại học Y – Dược khoa Hà Nội từ năm 1952. Năm 1959, ông tốt nghiệp ngành y khoa bác sĩ và toán học cao cấp rồi được giữ lại làm giảng viên tại trường.
          Cũng giống như cha mẹ mình, Nguyễn Quang Quyền tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1953, lúc 19 tuổi, ông là một trong số rất ít sinh viên y khoa tham gia hoạt động cách mạng trong nội thành Hải Phòng và Hà Nội, làm Trưởng ban liên lạc Hội Sinh viên Việt Nam. Năm 20 tuổi ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 1954-1958. Cuối năm 1954, lúc đang là sinh viên năm thứ tư của Đại học Y Khoa Hà Nội ông được cử làm Trưởng đoàn sinh viên Việt Nam tham dự Đại hội sinh viên toàn thế giới lần thứ 4 tại Praha, Tiệp Khắc cũ. Trong thời gian làm việc tại trường Đại học Y – Dược khoa Hà Nội từ năm 1959 sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục hăng hái tham gia công tác đoàn thể, là Bí thư chi đoàn khoa phi lâm sàng và Phó thư ký công đoàn bộ phận phi lâm sàng.
          Có thể chia cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Nguyễn Quang Quyền thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu công tác ở Trường Đại học Y – Dược khoa Hà Nội. (1959 – 1978) là giai đoạn ông vượt qua khó khăn thử thách, tự khẳng định mình, tự nghiên cứu với nhiều công trình có giá trị về giải phẫu học và nhân chủng học và là  giáo sư Đại học Y Dược Hà Nội. Khi chuyển vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và công tác tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (1979 – 1997), ông tiếp tục đảm nhiệm việc giảng dạy, đào tạo và tổ chức nghiên cứu, tham gia công tác quản lý với những đề xuất chiến lược mới tại trường. Năm 1979, trong bối cảnh rất khó khăn của đất nước sau ngày giải phóng, giảng viên Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh rất thiếu, một số người không an tâm đã tìm cách ra đi… Các bộ môn thuộc khối Y học cơ sở đã thiếu, lại càng thiếu hơn. Giữa lúc đó, PGS. Nguyễn Quang Quyền được chuyển từ Đại học Y khoa Hà Nội vào công tác tại Bộ môn Giải phẫu, Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Bằng trí tuệ và lòng say mê công việc,ông đã lôi cuốn tất cả mọi người như một thanh nam châm cuốn hút mọi cán bộ nhân viên già, trẻ, cũ, mới cùng nhanh chóng hòa nhập để hoạt động một cách đồng bộ làm nên sức mạnh mới của bộ môn. Cán bộ, nhân viên bộ môn lúc đó vô cùng ngạc nhiên và không thể quên, ngày đầu khi ông chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, đồ đạc chỉ vài vali nhỏ, còn lại là hàng chục thùng gỗ lớn đựng tài liệu, sách, vở và toàn bộ seri hơn 100 sọ người mà ông đang nghiên cứu.
          Năm 1983, PGS. TS Nguyễn Quang Quyền làm Chủ nhiệm Bộ môn, ông đã nhanh chóng tổ chức việc thống nhất danh từ giải phẫu học trong cán bộ giảng bộ môn cũng như trong trường, làm cơ sở cho việc thống nhất danh từ y khoa giữa miền Nam, miền Bắc và hòa nhập với danh pháp giải phẫu học quốc tế. Bộ môn dưới sự dìu dắt của ông cũng là một trong những bộ môn thực hiện việc viết tài liệu giảng dạy và viết sách giáo khoa đầu tiên trong trường Đại học Y-Dược TP. HCM. Giải phẫu học là một môn học cụ thể nhưng tài liệu, học cụ khi đó rất khó khăn, do đó ông đã yêu cầu làm mô hình, vẽ tranh minh họa giải phẫu, một phong trào sôi nổi ở Bộ môn lúc đó là làm tiêu bản, cắt cúp, khâu mô hình bằng vải, đúc mô hình thạch cao. Các giảng viên và kỹ thuật viên đã có sáng kiến dùng đèn chiếu sách, chiếu hình vẽ lên nền giấy trắng và vẽ lại… như một bức tranh photocopy phục vụ cho giảng dạy. “Xưởng sản xuất” học cụ đã có nhiều sản phẩm tốt, kịp thời phục vụ. Các trường đại học khác có dạy giải phẫu cũng đến học tập và xin hỗ trợ tranh vẽ, mô hình.
          Trong giai đoạn này, ông đảm nhiệm cương vị Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm bộ môn giải phẫu của trường, đồng thời là Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam.
Trong thời gian công tác tại Đại học Y Dược TP.HCM và các trường Y khoa khác trong nước (Hà Nội, Bắc Thái, Thái Bình, Hải Phòng, Cần Thơ…), ông còn được một số trường Đại học Y khoa lớn trên thế giới ở Pháp, Đức, Australia, New Zealand…mời thỉnh giảng. Ngoài ra, ông còn là người chủ trì việc bảo quản, xây cất tháp tại Tàng viện Chang Ek ở Phnompênh (Campuchia).
          Cần phải nhấn mạnh, Nguyễn Quang Quyền được coi là một trong số ít các bác sĩ, giáo sư y khoa xuất sắc chưa từng được đào tạo ở nước ngoài mà chỉ tự nghiên cứu khoa học đã trở thành nhà khoa học, giáo sư đầu ngành tại Việt Nam trên cả ba lĩnh vực giải phẫu học, nhân chủng học, nhân trắc học của y học hiện đại. Điều này đã chứng minh sự thông minh di truyền của anh em trong gia đình ông.
          Năm 1977, Nguyễn Quang Quyền xuất bản hai cuốn sách “Tổ tiên của người hiện đại” và “Các chủng tộc loài người”. Ông còn là tác giả cuốn từ điển giải phẫu học với 4 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp và La-tinh. Giáo sư Nguyễn Quang Quyền để lại một sự nghiệp khoa học với hơn 100 công trình nghiên cứu do ông là tác giả và đồng tác giả cùng các nhà khoa học lớn như: Bác sĩ GS.Đỗ Xuân Hợp, Giáo sư Hoàng Đình Cầu… đã được công bố. Trong đó có 20 bài được đăng trên các tạp chí tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và được giới khoa học trong nước cũng như trên thế giới đánh giá cao. Ông từng được Viện phân tích nhân chủng học Schvidesky của Cộng hòa Liên bang Đức đưa vào danh sách các nhà nhân chủng học hàng đầu thế giới.
          Giáo sư Nguyễn Quang Quyền là một nhà khoa học tầm cỡ, một giáo sư y khoa nổi tiểng, có công đào tạo được một số bác sĩ và khoa học gia trẻ góp phần cho công tác giáo dục, khoa học nước nhà.
          Giải phẫu học và nhân trắc học là những lĩnh vực ông có nhiều đóng góp quan trọng cho nền y học của đất nước. Ông làm giải phẫu học để dạy các bác sĩ tương lai và để ứng dụng lâm sàng. Ông làm nhân trắc để nghiên cứu tầm vóc và thể lực người Việt Nam, để đưa tiếng nói khoa học vào các cuộc thi hoa hậu. Cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất năm 1988 do Báo Tiền Phong tổ chức, ban giám khảo chấm thi hầu như chỉ dựa vào cảm tính mà chưa hề có những chỉ số về nhân trắc học. Nhưng từ năm 1992 trở đi, Giáo sư Nguyễn Quang Quyền đã được mời làm cố vấn khoa học cho cuộc thi với tư cách là nhà nhân trắc học hàng đầu Việt Nam bởi ông không những có uy tín trong nước mà còn có uy tín trên thế giới về lĩnh vực này.
          Tại hội thảo quốc tế về Giáo dục Y học tại New Zealand năm 1984, Nguyễn Quang Quyền được bình chọn là người giảng lý thuyết giải phẫu học xuất sắc và chuyên nghiệp nhất, mặc dù tham dự hội nghị đều là những giáo sư giải phẫu nổi tiếng của nhiều trường đại học trên thế giới. Tại hội thảo đó, Ban Tổ chức đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện hiện đại như máy chiếu slide, máy tính, màn hình minh họa để các nhà khoa học thuyết trình nhưng riêng ông lại không đụng đến các phương tiện hỗ trợ này. Ông chỉ dùng phấn màu, vừa vẽ hình ảnh minh họa giải phẫu, vừa diễn đạt lưu loát, dễ hiểu khiến người nghe rất ấn tượng và khâm phục.
          Tại Đại học Y Dược TP.HCThầy Quyền và thầy Trịnh Đức Tâm là những người đầu tiên nêu vấn đề sư phạm trong y học và đã trực tiếp tham gia thành lập, giảng dạy môn Sư phạm Y học & Phương pháp nghiên cứu khoa học. Đến nay, môn học này là môn học bắt buộc cho tất cả giảng viên của các trường đào tạo y khoa trong cả nước. Thầy cũng là người đầu tiên khởi xướng chương trình lượng giá bằng tổ chức thi trắc nghiệm, xây dựng ngân hàng câu hỏi, nhờ vậy toàn bộ các bộ môn tại Đại học Y Dược đều tổ chức viết sách giáo khoa và phần lớn đã thực hiện thi trắc nghiệm.
          Khi giảng bài cho sinh viên y khoa và các giảng viên thực tập môn Sư phạm Y học, trên cương vị người thầy, GS. Quyền thường nói với họ Đừng tự ti, chúng ta không thể có nhiều phương tiện như các nước phát triển nhưng chúng ta vẫn có thể có những bài giảng thật hay, bằng cách làm của chúng ta”. Hình ảnh người thầy phong trần như một nghệ sĩ, đeo kính trắng, tay trái cầm hộp phấn màu, miệng giảng bài, tay phải vẽ hình giải phẫu “múa” trên bảng như một họa sĩ tài hoa… những chi tiết giải phẫu khô khan, rối rắm trở nên sinh động, đơn giản và dễ hiểu. Giờ giảng của thầy luôn có sức lôi cuốn một cách kỳ diệu làm say mê mọi thế hệ sinh viên. Các sinh viên trẻ cứ có bài của thầy là tới dự giờ, học tập phong cách, kỹ năng sư phạm… Thầy lại thường xuyên tổ chức dự giờ, bình giảng lại cho từng người, do đó sinh viên, thực tạp sinh đã không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện, có đủ kỹ năng và sự tự tin để minh họa giải phẫu bằng phấn màu” và thuyết trình những bài giảng thật hay.
          Nguyễn Quang Quyền nổi tiếng với phong trào “hiến xác cho khoa học” tại Việt Nam do ông phát động, bản thân ông cũng tình nguyện hiến xác cho y học nhưng rồi đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông năm 1997 nên ý nguyện của ông không thành. Ông cũng là người khôi phục “Lễ tri ân những người đã hiến thân xác cho khoa học” (Lễ Macchabeés), là chủ nhân của bộ sưu tập sọ người Việt Nam đang được lưu giữ tại Bộ môn Giải phẫu học Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là người đề xuất và chỉ đạo việc xây dựng bảo tàng sọ người của những nạn nhân bị sát hại dưới thời Pol Pot ở Campuchia, như một chứng cứ về tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ.
          Với tính chất nhân văn to lớn, lễ tri ân Macchabée do thầy Quyền khởi động từ Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng lan truyền, phổ biến, trở thành một ngày lễ truyền thống cho tất cả các trường y khoa của Việt Nam. “Thầy là một nhà khoa học uyên bác, thông tuệ, tinh tế, vô cùng sắc sảo và giàu lòng nhân ái. Thầy quan tâm đến từng cá nhân, từng gia đình cán bộ viên chức trong Bộ môn. Đối với chúng tôi, thầy là điểm tựa để vươn lên, là bệ phóng của những thành công, là một vùng trời bình yên trong những cơn sóng gió của cuộc đời. Tất cả các giảng viên, kỹ thuật viên, nhân viên trong Bộ môn dưới sự dìu dắt của thầy, đến nay đều trưởng thành, là những nhà khoa học, cán bộ quản lý, những thầy giáo, cô giáo yêu nghề, có đủ phẩm chất, năng lực, có  nhiều đóng góp cho ngành, cho xã hội. Học trò của thầy cũng rất tự hào vì không có người nào đi sai đường, lạc lối…
          Thầy rất sắc sảo, tinh tế, phát hiện những khả năng tốt nhất của mỗi người và gắn kết mọi người để giúp nhau trong những điều kiện có thể, cùng vui chơi, “du hý” thư giãn, những chuyến đi nghỉ hè, dã ngoại luôn cuốn hút và làm mọi người gần nhau, thông cảm và yêu thương nhau hơn. Thầy luôn dạy chúng tôi đoàn kết là nền tảng của sự phát triển. Sự lôi cuốn và hấp dẫn từ thầy không phải chỉ trong Bộ môn, bạn bè gần xa mà còn tỏa lan đến các cháu nhỏ, con của các cán bộ viên chức.” (lời của một bác sĩ, học trò của thầy Quyền tại Đại học Y-Dược TP. HCM)
          Giáo sư Quyền bị tai nạn giao thông tại TP Hồ Chí Minh và qua đời ngày 15 tháng 11 năm 1997 tại đây, để lại biết bao thương tiếc trong giới y khoa. Các thế hệ sinh viên kính trọng Giáo sư vì tài năng và đạo đức của ông.
          Ngày tiễn đưa giáo sư về nơi yên nghỉ cuối cùng rất đông người đến đưa tiễn, các bác sĩ từ các tỉnh xa cũng về dự. Với nhiều thế hệ sinh viên trường Y, sự ra đi của Gs Quyền là mất mát lớn cho ngành Y học Việt Nam và để lại sự thương tiếc cho nhiều người, nhất là những người làm công tác văn hóa, giáo dục, y tế.
          Bạn bè, đồng nghiệp và học trò của ông vẫn còn ghi nhớ sâu đậm một nhà sư phạm tài năng, một nhà khoa học nhiệt tâm, một người bạn được yêu mến và ngưỡng mộSự ra đi của ông cho đến nay vẫn còn để lại một khoảng trống khó lấp đầy trong giải phẫu học, nhân chủng học nước ta. Ở tuổi 63, nếu còn sống ông sẽ còn đóng góp được nhiều công sức và trí tuệ cho ngành Y và xã hội. Thật đáng tiếc!
          Phạm Văn Thi biên soạn, tham khảo nguồn:
          – Lễ tri ân Macchabée, lại nhớ thầy Nguyễn Quang Quyền//Báo Sức khỏe & Đờii sống, ngày 10/02/2017.
          – Lời giới thiệu của GS.TS. Đặng Vạn Phước, Nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP.HCM. và GS.TS. Trương Đình Kiệt, Nguyên Chủ tịch Hội Hình thái học, trong quyển “Nguyễn Quang Quyền – Cuộc đời và Sự nghiệp”, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội – 2009).
          – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt.