LIÊN QUAN GIỮA ĐỘ DÀY NIÊM MẠC TỬ CUNG VỚI KẾT QUẢ CHUYỂN PHÔI NANG ĐÔNG LẠNH

Đỗ Ngọc Lan1, Đoàn Thị Hằng1, Dương Đình Hiếu1 , Nguyễn Thanh Tùng1, Nguyễn Thị Thục Anh1, Nguyễn Ngọc Diệp1, Nguyễn Minh Phương1

1Học viện Quân y

Chịu trách nhiệm chính: Đoàn Thị Hằng

Email: doanthihang@vmmu.edu.vn

Ngày nhận bài: 14/7/2022

Ngày phản biện khoa học: 03/08/2022

Ngày duyệt bài: 20/08/2022

TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giá liên quan giữa độ dày niêm mạc tử cung với kết quả chuyển phôi nang đông lạnh. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả trên 120 chu kỳ chuyển phôi nang đông lạnh, chất lượng phôi tốt, khá (ít nhất 1 phôi tốt). Kết quả: Độ dày niêm mạc tử cung ngày mở cửa sổ làm tổ là 9,82 ± 1,48mm, trong đó hình thái niêm mạc dạng 1 chiếm đa số với 87,5%. Tỉ lệ β-hCG (+) là 57,5%, tỉ lệ thai lâm sàng và thai tiến triển lần lượt là 52,50% và 49,17%. Đường cong ROC cho thấy độ dày niêm mạc tử cung không có giá trị dự đoán cho kết quả thai tiến triển với AUC là 0,534. Kết luận: Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ β-hCG (+), tỷ lệ thai lâm sàng và thai tiến triển giữa các nhóm có độ dày niêm mạc tử cung khác nhau trong khoảng 7 – 14mm.
Từ khóa: Độ dày niêm mạc tử cung, chuyển phôi đông lạnh.

SUMMARY

RELATIONSHIP BETWEEN ENDOMETRIAL THICKNESS AND FROZEN BLASTOCYST TRANSFER OUTCOME

Objective: To evaluate the ralationship between endometrial thickness  and frozen blastocyst transfer outcome. Subjects and methods: Retrospective, descriptive study on 120 frozen blastocyst transfer cycles, good and medium embryo (at least 1 good  blastocyst). Results: Endometrial thickness on the day of progesterone administration is 9,82 ± 1,48mm. On the day of progesterone administration, the morphology of uterine lining is mainly type 1 with 87,5%. The β-hCG (+) rate is 57,5%, the clinical pregnancy rate and ongoing pregnancy rate are 52,50% and 49,17%, respectively. The ROC curve shows that endometrial thickness is not predictive for ongoing pregnancy with  AUC = 0.534. Conclusion: There is no statistically significant difference in the β-hCG (+) rate, clinical pregnancy and ongoing pregnancy rate between the groups with different endometrial thickness in the range of 7-14mm.

Key word: Endometrial thickness, frozen embryo transfer.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Niêm mạc tử cung và chất lượng phôi chuyển đóng vai trò quan trọng trong kết quả của một chu kỳ chuyển phôi đông lạnh. Có nhiều phương pháp đánh giá niêm mạc tử cung trong quá trình chuẩn bị niêm mạc tử cung như đo độ dày niêm mạc tử cung, hình thái niêm mạc tử cung, thể tích cũng như lưu lượng máu qua niêm mạc tử cung, phân tích thành phần gen trong dịch niêm mạc tử cung, sinh thiết niêm mạc tử cung[1] [2]. Trong đó, đo độ dày niêm mạc tử cung qua siêu âm được sử dụng phổ biến nhất. Một thống kê trên các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh, có 8,3% trong 39152 các nhà lâm sàng không đánh giá độ dày niêm mạc tử cung trong chu kỳ chuyển phôi đông lạnh. Mặt khác, 41,1% cho rằng niêm mạc tử cung tối thiểu là 7mm để chuyển phôi và 27,2% cần niêm mạc tử cung dày hơn [3].

Nghiên cứu của Zhang Shaodi và cộng sự tiến hành trên 10.165 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh cho thấy niêm mạc tử cung vào ngày chuyển phôi 8,7mm – 14,5mm cho kết quả trẻ sinh sống cao nhất [4]. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành thực hiện trên 120 chu kỳ chuyển phôi nang chất lượng tốt, khá (ít nhất 1 phôi chất lượng tốt) đông lạnh, sử dụng liệu pháp hormon thay thế cùng với đo độ dày và đánh giá hình thái niêm mạc tử cung vào ngày mở cửa sổ làm tổ để đánh giá mối liên quan của các chỉ số này với tỉ lệ có thai, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ thai tiến triển.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

120 chu kỳ chuyển phôi nang đông lạnh được thực hiện tại Viện Mô Phôi Lâm sàng Quân đội từ tháng 1 năm 2021 tới tháng 5 năm 2022.

2.1.1. Tiêu chuẩn lựa chọn BN nghiên cứu:

– Các bệnh nhân thực hiện chu kỳ chuyển phôi nang đông lạnh tối đa 2 phôi tốt, khá (trong đó ít nhất có 1 phôi nang tốt)

– Hình ảnh chụp tử cung vòi trứng bình thường hoặc siêu âm bơm nước buồng tử cung bình thường.

2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ

  • Bất thường tại buồng tử cung – vòi trứng: dính buồng tử cung, polyp buồng tử cung, ứ dịch lòng tử cung, ứ nước vòi trứng.
  • Niêm mạc tử cung mỏng dưới 7 mm ở ngày mở cửa sổ làm tổ, thất bại làm tổ liên tiếp.
  • Bất thường nhiễm sắc thể đồ
  • Nhiễm trùng, nhiễm nấm âm đạo
  • Các trường hợp xin noãn, xin phôi.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu mô tả tiến cứu.

2.2.2. Các kỹ thuật áp dụng

Rã đông phôi:

Tiến hành rã phôi vào ngày chuyển phôi, quy trình rã phôi như sau:

  • Môi trường TS được chuẩn bị trong đĩa Petri đặt vào tủ ấm 37°C (tối thiểu 1,5 giờ), môi trường DS và WS để ở nhiệt độ phòng (25°C -27°C)
  • Các bước rã phôi: Đặt phôi vào môi trường TS (Thawing) trong vòng 1 phút và chuyển sang lần lượt các môi trường DS (Dilution) 3 phút, môi trường WS1 (Washing) trong 5 phút và chuyển WS2 (Washing) trong 1 phút. Chuyển phôi sang giọt nuôi cấy ở hộp Nunc.

1

Hình 2.1.  Quy trình rã phôi đông lạnh.

Chuẩn bị niêm mạc tử cung và hỗ trợ hoàng thể trong chu kỳ chuyển phôi đông lạnh:

Sử dụng liệu pháp thay thế hormon bằng estradiol (Progynova; Bayer Schering Pharma, Pháp) bắt đầu vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt sau chu kỳ chọc trứng ít nhất 2 chu kỳ, với liều 6 – 8 mg/ngày. Vào ngày chuyển dạng nội mạc tử cung, đánh giá độ dày và hình thái niêm mạc theo 3 dạng: dạng 1 là niêm mạc 3 lớp, dạng 2 niêm mạc dạng trung gian và dạng 3 là niêm mạc đậm âm hoàn toàn [5]. Khi độ dày nội mạc tử cung  ≥ 7mm thì sử dụng progesterone 800mg đặt âm đạo (Cyclogest hoặc Utrogestan) và dydrogesterone 20mg (Duphaston) trước 5 ngày chuyển phôi.

Sau chuyển phôi, duy trì oestradiol và progesterone trong 2 tuần. Sau 2 tuần chuyển phôi, bệnh nhân xét nghiệm β-hCG, có thai khi β-hCG ≥ 25 mIU/ml, duy trì progesterone đến khi tuổi thai đạt 12 tuần. Sau 4 tuần chuyển phôi, bệnh nhân được siêu âm xác định tim thai và theo dõi thai diễn tiến ở tuần 12.

Quy trình chuyển phôi vào buồng tử cung

Bệnh nhân nằm tư thế sản khoa, đặt mỏ vịt, vệ sinh vùng âm đạo, cổ tử cung. Lau cổ tử cung bằng môi trường chuyển phôi. Luồn nòng ngoài catheter qua ống cổ tử cung đến eo tử cung dưới siêu âm đường bụng, luồn catheter lòng chứa phôi vào cách đáy tử cung 2 cm. Bơm nhẹ đặt phôi vào trong buồng tử cung. Rút catheter, tháo mỏ vịt.

2.2.3. Các chỉ tiêu đánh giá chính

Độ dày và hình thái niêm mạc tử cung vào ngày mở cửa sổ làm tổ. Tỉ lệ β-hCG (+), tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ thai diễn tiến, tỉ lệ sảy thai.

2.2.4 Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu nghiên cứu được xử lý bằng chương trình SPSS 22.0. Giá trị của các trị số được trình bày dưới dạng số trung bình ± độ lệch chuẩn, tỷ lệ %. Kiểm định 2 trung bình bằng test t-student. So sánh kết quả nghiên cứu bằng nghiệm pháp χ2. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm niêm mạc tử cung ở bệnh nhân chuyển phôi đông lạnh

Bảng 1. Đặc điểm liều lượng thuốc và chiều dày niêm mạc tử cung

2

Độ dày niêm mạc tử cung ngày mở cửa sổ là 9,81 ± 1,48 mm, trong đó niêm mạc dày nhất chúng tôi ghi nhận được trong nghiên cứu là 14 mm.

3

Biểu đồ 1. Đặc điểm hình thái NMTC ngày mở cửa sổ làm tổ

Về đặc điểm hình thái niêm mạc tử cung ngày mở cửa sổ, dạng 1 (niêm mạc hình 3 lớp) chiếm đa số với 105 chu kỳ chuyển phôi, chiếm 87,5%. Dạng 2 (niêm mạc dạng trung gian) có 6 chu kỳ và dạng 3 có 9 chu kỳ (niêm mạc tăng âm hoàn toàn) chiếm lần lượt 5,0% và 7,5% tổng số chu kỳ chuyển phôi.

3.2. Kết quả chuyển phôi đông lạnh

4

Biểu đồ 2. Kết quả chuyển phôi đông lạnh

Trong số 120 chu kỳ chuyển phôi có 69 chu kỳ có β-hCG (+), chiếm tỷ lệ 57,5%. 63 chu kỳ phát triển thành thai lâm sàng, chiếm 52,50%, 6 trường hợp chỉ có thai sinh hóa. Số lượng chu kỳ có thai tiến triển 12 tuần là 59 chu kỳ, chiếm 49,17%. Có 4 trường hợp sảy thai trước 12 tuần, chiểm tỷ lệ 6,35%.

3.3. Liên quan giữa đặc điểm niêm mạc tử cung với kết quả chuyển phôi đông lạnh

Bảng 2. Kết quả chuyển phôi theo độ dày niêm mạc tử cung

5

Bảng 2 cho thấy kết quả có thai có xu hướng thấp nhất ở nhóm có niêm mạc tử cung từ 7 – 8,9 mm, và cao nhất ở nhóm từ 9 – 9,9 mm, tuy nhiên sự khác biệt giữa 4 nhóm là không có ý nghĩa thống kê đối với cả tỷ lệ β – hCG (+), tỷ lệ thai lâm sàng và thai tiến triển, với giá trị p lần lượt là 0,739; 0,955 và 0,679. Khi so sánh riêng tỷ lệ thai tiến triển ở 2 nhóm niêm mạc có thai cao nhất và thấp nhất trên cũng cho kết quả là không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,222.

6

Biểu đồ 3. Đường cong ROC của độ dày niêm mạc tử cung trước mở cửa sổ dự đoán có thai tiến triển

Đường cong ROC đánh giá mối tương quan giữa độ dày niêm mạc tử cung trước thời điểm mở cửa sổ làm tổ và kết quả có thai tiến triển cho thấy diện tích dưới đường cong AUC là 0,534. Kết quả này cho thấy độ dày niêm mạc tử cung không có giá trị dự đoán đối với kết quả thai tiến triển 12 tuần.

IV. BÀN LUẬN

Hiện nay ở nhiều trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm, độ dày niêm mạc tử cung thường được sử dụng như một yếu tố để tiên lượng tỷ lệ có thai trong các chu kỳ chuyển phôi tươi cũng như chuyển phôi đông lạnh. Các nghiên cứu đã chứng minh khi niêm mạc tử cung mỏng thường đi kèm với giảm tỷ lệ có thai, và đưa ra khuyến cáo khi niêm mạc tử cung vào ngày mở cửa sổ làm tổ < 7mm thì nên hủy chu kỳ [6]. Một giả thuyết đã được đưa ra để giải thích cho điều này đó là khi niêm mạc tử cung mỏng hơn thì phôi thai sẽ gần với động mạch xoắn của tử cung hơn, điều này có thể khiến cho phôi tiếp xúc với nồng độ oxy cao hơn, dẫn đến tăng sản xuất gốc oxy, do đó có thể làm rối loạn quá trình làm tổ của phôi [7].

Các nghiên cứu liên quan đến mối liên quan của niêm mạc tử cung với kết quả chuyển phôi còn gây nhiều tranh cãi khi nhiều kết luận đưa ra có sự mâu thuẫn với nhau. Theo nghiên cứu của chúng tôi, sau khi đã loại trừ nhóm có niêm mạc tử cung mỏng hơn 7mm thì kết quả cho thấy độ dày niêm mạc tử cung không có giá trị dự đoán đối với kết quả thai tiến triển 12 tuần trong các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh. Kết quả của chúng tôi có sự tương đồng với kết quả của Shakerian và cs tiến hành trên 273 chu kỳ chuyển phôi tươi và 287 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh đã kết luận rằng độ dày niêm mạc tử cung không dự đoán được kết quả sinh sống trong cả chu kỳ chuyển phôi tươi và đông lạnh [8]. Tương tự như vậy, nghiên cứu của Groenewoud và cs trên 463 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh sử dụng chu kỳ tự nhiên cải tiến để chuẩn bị niêm mạc tử cung ghi nhận thấy độ dày niêm mạc của nhóm có thai tiến triển không có sự khác biệt so với nhóm không có thai tiến triển (9mm so với 8,8mm, p = 0,4) [9].

Điểm mạnh trong nghiên cứu của chúng tôi đó là tất cả chu kỳ chuyển phôi đều được thực hiện tại một trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm duy nhất, được sử dụng cùng một máy siêu âm để đánh giá các đặc điểm của niêm mạc tử cung. Các bệnh nhân đều chuyển phôi của chính mình với ít nhất một phôi nang chất lượng tốt, cũng như loại trừ các bệnh nhân có bất thường ảnh hưởng đến kết quả chuyển phôi, do đó có thể giảm thiểu những yếu tố nhiễu đến tỷ lệ có thai.

Một trong những hạn chế trong nghiên cứu của chúng tôi đó là cỡ mẫu nhỏ, do đó số lượng bệnh nhân có niêm mạc tử cung < 9mm và ≥ 11mm không đủ lớn dẫn đến việc phải ghép nhóm cho mỗi milimet niêm mạc này. Trong tương lai cần tiếp tục tiến hành nghiên cứu để có sự đánh giá đầy đủ hơn.

V. KẾT LUẬN

Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ β-hCG (+), tỷ lệ thai lâm sàng và thai tiến triển của chu kỳ chuyển phôi nang đông lạnh giữa các nhóm có độ dày niêm mạc tử cung khác nhau trong khoảng 7 – 14mm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Koot, Y.E., et al., An endometrial gene expression signature accurately predicts recurrent implantation failure after IVF. 2016. 6(1): p. 1-12.
  2. Bassil, R., et al., Does the endometrial receptivity array really provide personalized embryo transfer? 2018. 35(7): p. 1301-1305.
  3. BResults: frozen-thawed embryo transfer. http://ivf-worldwide.com/survey/frozen-thawed-embryo-transfer/results-frozen-thawed-embryo-transfer.htm., 2020.
  4. Shaodi, Z., et al., The effect of endometrial thickness on pregnancy outcomes of frozen-thawed embryo transfer cycles which underwent hormone replacement therapy. 2020. 15(9): p. e0239120.
  5. Jiao, Y., et al., Application of ultrasound multimodal score in the assessment of endometrial receptivity in patients with artificial abortion. 2020. 11(1): p. 1-7.
  6. Kasius, A., et al., Endometrial thickness and pregnancy rates after IVF: a systematic review and meta-analysis. 2014. 20(4): p. 530-541.
  7. Casper, R.F.J.F. and sterility, It’s time to pay attention to the endometrium. 2011. 96(3): p. 519-521.
  8. Shakerian, B., et al., Endometrial thickness is not predictive for live birth after embryo transfer, even without a cutoff. 2021. 116(1): p. 130-137.
  9. Groenewoud, E.R., et al., Influence of endometrial thickness on pregnancy rates in modified natural cycle frozen‐thawed embryo transfer. 2018. 97(7): p. 808-815.

( Nguồn: Số 518, tháng 9/2022, Tạp chí Y Học Việt Nam, trang 196-202, link full tạp chí: Pdf Link)