KẾT QUẢ CHUYỂN PHÔI NGÀY 3 VÀ NGÀY 5 TẠI BỆNH VIỆN A THÁI NGUYÊN

Hứa Minh Tuân1, Hà Hải Bằng1, Dương Thị Nhàn1, Nguyễn Thị Hiệp Tuyết2

1Bệnh viện A Thái Nguyên

2Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Hiệp Tuyết

Email: nguyenthihieptuyet@tump.edu.vn

Ngày nhận bài: 15/7/2022

Ngày phản biện khoa học: 03/08/2022

Ngày duyệt bài: 19/08/2022

TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giá kết quả chuyển phôi ngày 3, ngày 5 và mối liên quan với độ tuổi người vợ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang 320 cặp vợ chồng vô sinh điều trị thụ tinh trong ống nghiệm tại khoa hỗ trợ sinh sản, bệnh viện A Thái Nguyên. Đánh giá kết quả chuyển phôi phân chia ngày 3, phôi nang ngày 5; so sánh kết quả trong nhóm tuổi vợ < 35 và ≥ 35 tuổi. Kết quả: Tỉ lệ βhCG dương tính, có tim thai và thai diễn tiến trong nhóm chuyển phôi ngày 5 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với 2 nhóm chuyển phôi tươi, phôi đông lạnh ngày 3. Trong những trường hợp người vợ < 35 tuổi, tỉ lệ có thai cao nhất ở nhóm chuyển phôi ngày 5, thấp nhất ở nhóm chuyển phôi tươi ngày 3, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Người vợ ≥ 35 tuổi: không có sự khác biệt có ý nghĩa thống về kết quả thai giữa 3 nhóm phôi chuyển. Kết luận : Chuyển phôi đông lạnh ngày 5 mang lại kết quả lâm sàng tốt hơn so với phôi đông lạnh ngày 3 và phôi tươi ngày 3. Ở phụ nữ < 35 tuổi, chuyển phôi ngày 5 mang lại hiệu quả cao.
Từ khóa: Chuyển phôi, phôi phân chia ngày 3, phôi nang ngày 5 ; βhCG dương tính.

SUMMARY

RESULTS OF EMBRYO TRANSFER ON DAY 3 AND DAY 5 AT A THAI NGUYEN HOSPITAL

Objectives: To evaluate the results of embryo transfer on day 3, and day 5 and the relationship with the wife’s age. Material and methods: Cross-sectional description of 320 infertile couples undergoing in vitro fertilization at the Department of Reproductive Assistant, A Thai Nguyen Hospital. Evaluation of embryo transfer results in embryo cleavage on day 3, blastocyst on day 5; compares the results to the wife’s age group < 35 and ≥ 35 years old. Results: The rate of βhCG positive, fetal heart, and pregnancy progression in the day 5 embryo transfer group were statistically significantly higher than in the transfer day 3 fresh and frozen embryo groups. In the cases of the wife < 35 years old, the rate of pregnancy was highest in the group of day 5 embryo transfer, the lowest in the group of fresh embryo transfer on day 3, the difference was statistically significant. Wife ≥ 35 years old: there is no statistically significant difference in clinical pregnancy between the 3 groups of embryos transferred. Conclusion: Day 5 frozen embryo transfer has better clinical results than day 3 frozen embryos and day 3 fresh embryo. In women < 35 years old, there is a highly effective day 5 embryo transfer.

Keywords: Embryo transfer, embryo cleavage day 3, blastocyst day 5; βhCG positive.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Những cải tiến về labo phôi học cũng như môi trường nuôi cấy đã góp phần trong việc nuôi thành công phôi dài ngày, mang đến cơ hội chuyển phôi ngày 5 – phôi giai đoạn phôi nang cho bệnh nhân. Việc chuyển phôi ở giai đoạn phôi nang thay vì lựa chọn ở giai đoạn trước đó có thể nâng cao tỷ lệ làm tổ bởi có sự lựa chọn phôi tốt hơn, do đó giảm số lượng phôi chuyển [9]. Các phôi tốt nhất ở giai đoạn phôi nang được lựa chọn để chuyển trong khi đó các phôi ngừng phát triển sẽ không được chuyển và bị loại. Tuy nhiên, nuôi cấy dài ngày có thể chọn phôi vượt qua giai đoạn hoạt hóa gen phôi (giai đoạn xung quanh 8 tế bào – ngày 3), điều này không đảm bảo rằng tất cả các phôi được chọn đều có bộ nhiễm sắc thể bình thường [4]. Nuôi cấy phôi dài ngày sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho những bệnh nhân thực hiện hỗ trợ sinh sản, với lí do sẽ chọn lựa được những phôi tốt nhất, giảm đa thai và các biến chứng thai kỳ. Tại khoa Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện A Thái Nguyên đã bắt đầu triển khai kỹ thuật nuôi cấy phôi nang ngày 5 và bước đầu đã đem lại hiệu quả. Để có được minh chứng cụ thể, bài học kinh nghiệm về chuyển phôi ngày 3 và phôi ngày 5, chúng tôi thực hiện đề tài “Kết quả chuyển phôi ngày 3 và ngày 5 tại khoa Hỗ trợ sinh sản bệnh viện A Thái Nguyên”.  Với mục tiêu: “Đánh giá kết quả chuyển phôi ngày 3, ngày 5 và mối liên quan với độ tuổi người vợ”.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Cặp vợ chồng vô sinh thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại khoa Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện A Thái Nguyên từ 1/2018 – 6/2021.

  • Tiêu chuẩn lựa chọn:

– Người vợ có đầy đủ thông tin về tuổi, thời gian vô sinh, loại vô sinh, nguyên nhân vô sinh, tiền sử sinh sản, các kết quả cận lâm sàng: nội tiết, siêu âm, chụp X quang vòi tử cung, kết quả kích thích buồng trứng.  Người chồng có kết quả xét nghiệm tinh trùng.

– Phôi chuyển ngày 3 có tỷ lệ mảnh vỡ bào tương < 30%, hoặc phôi ngày 5 đạt chất lượng độ II trở lên. Phôi chuyển là phôi tươi hoặc phôi đông lạnh, niêm mạc tử cung ≥ 7mm vào ngày chuyển phôi.

  • Tiêu chuẩn loại trừ:

– Phụ nữ vô sinh có tiền sử chuyển phôi thất bại nhiều lần; có bệnh lý dị dạng tử cung, âm đạo; sử dụng noãn hiến, noãn đông lạnh.

– Mẫu tinh trùng được bảo quản lạnh, tinh trùng hiến hoặc thu nhận từ phẫu thuật tinh hoàn, bệnh nhân có số lượng tinh trùng rất thấp (dưới 1 triệu /ml) hoặc không có tinh trùng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang

– Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm: Người vợ được kích thích buồng trứng có kiểm soát bằng phác đồ đối kháng GnRH và FSH tái tổ hợp (follitropin alfa), với liều khởi đầu 150-375 IU vào ngày thứ 2 chu kỳ. Sau khi siêu âm để kiểm tra số lượng nang trứng và loại trừ u nang buồng trứng. Chọc hút noãn được thực hiện 35–36 giờ sau khi tiêm hCG 10000 IU. Nang trứng được thu nhận và chuyển vào lab thực hiện các kỹ thuật của quy trình tiêm tinh trùng vào bào tương noãn và nuôi cấy đến ngày 3, ngày 5. Chuyển phôi cho người vợ khi niêm mạc tử cung dày ≥ 7mm, phôi được chuyển là phôi tươi ngày 3, hoặc phôi rã đông ngày 3, hoặc phôi rã đông ngày 5. Người vợ xét nghiệm máu ngày thứ 14 sau chuyển phôi. Theo dõi kết quả thai sinh hoá, thai lâm sàng và thai diễn tiến.

– Xử lý số liệu: Số liệu được nhập, phân tích và xử lý bằng các thuật toán thống kê thích hợp trên phần mềm SPSS 20.0.  Kiểm định sự khác biệt: Student T test, Fisher Exact Test, Anova test được sử dụng để so sánh sự khác biệt các tỷ lệ, giá trị trung bình giữa các nhóm, sự khác nhau có ý nghĩa thống kê khi p ≤ 0,05.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

320 cặp vợ chồng đủ tiêu chuẩn lựa chọn vào nghiên cứu với kết quả:

Tuổi của người vợ trung bình là 31,55 ± 4,86 (19 – 45) năm, trong đó nhóm < 35 tuổi có tỉ lệ là 236/320 (73,8%) và nhóm ≥ 35 tuổi là 26,2%.

Có 18,1% trường hợp đã có 1 con và 81,9% chưa có con. Tỉ lệ người vợ có tiền sử sẩy thai trước đó là 108/320 (33,8%). Tỉ lệ vô sinh nguyên phát là 57,8% và vô sinh thứ phát là 42,2%. Thời gian vô sinh trung bình là 4,37± 3,30 (1 – 19) năm. Với nguyên nhân vô sinh chỉ riêng từ người vợ là 50,3%, riêng người chồng là 17,2%, do cả hai vợ chồng là 14,7%, và có 17,8% trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân. Nguyên nhân vô sinh phổ biến là do vòi tử cung với 161/320; 50,3%, tiếp đến là do buồng trứng đa nang với 32/320; 10,0% trường hợp, có 6 trường hợp giảm dự trữ buồng trứng, và không ghi nhận các nguyên nhân vô sinh khác.

Bảng 1.  Kết quả nuôi cấy phôi

1

Nhận xét: Tỉ lệ thụ tinh trung bình đạt 87,70 ± 14,96%. Tỉ lệ tạo phôi ngày 3/số hợp tử đạt 98,14 ± 6,99 %. Có 165/230 trường hợp tiến hành nuôi cấy phôi ngày 5, và tỉ lệ tạo phôi ngày 5/số phôi ngày 3 đạt 43,85 ± 31,58%.

Tỉ lệ chu kỳ chuyển phôi tươi ngày 3 là 53/320, 16,6%; chuyển phôi rã đông ngày 3 là 210/320, 65,6%, phôi rã đông ngày 5 là 57/320, 17,8%.

Bảng 2. Đặc điểm chuyển phôi ở các nhóm phôi

2

Nhận xét: Tỉ lệ chuyển 1 phôi ở nhóm phôi ngày 5 (42,1%) cao hơn so với 2 nhóm chuyển phôi ngày 3, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tỉ lệ chuyển 2 phôi ngày 5 là thấp nhất trong 3 nhóm, không có trường hợp nào được chuyển 3 phôi ở phôi ngày 5. Tỉ lệ chuyển 3 phôi cao nhất ở nhóm phôi rã đông ngày 3.

Bảng 3. Kết quả chuyển phôi từ phôi ngày 3 và phôi ngày 5

3

Nhận xét: Tỉ lệ βhCG dương tính trong nhóm chuyển phôi ngày 5 (80,7%) cao hơn so với 2 nhóm chuyển phôi ngày 3, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tương tự ở các tỉ lệ có tim thai và thai diễn tiến ở nhóm chuyển phôi ngày 5 cao hơn so với nhóm chuyển phôi ngày 3. Tỉ lệ có 1 túi thai ở nhóm chuyển phôi ngày 5 cao hơn so với 2 nhóm chuyển phôi ngày 3. Nhóm chuyển phôi tươi ngày 3 có tỉ lệ thấp nhất trong 3 nhóm ở các kết quả lâm sàng.

Bảng 4. Kết quả chuyển phôi ở nhóm người vợ < 35 tuổi

4

Nhận xét: Những trường hợp người vợ < 35 tuổi, niêm mạc tử cung ở nhóm chuyển phôi tươi dày nhất trong 3 nhóm. Nhóm phôi rã đông ngày 3 có số phôi chuyển ở nhiều nhất trong cả 3 nhóm. Tỉ lệ có thai và phát triển thai cao nhất ở nhóm chuyển phôi ngày 5, thấp nhất ở nhóm chuyển phôi tươi ngày 3, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Bảng 5. Kết quả chuyển phôi ở nhóm người vợ ≥ 35 tuổi

5

Nhận xét: Những trường hợp người vợ ≥ 35 tuổi, không có sự khác biệt về dộ dày niêm mạc tử cung; số phôi chuyển ở nhóm phôi ngày 5 thấp nhất trong cả 3 nhóm, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống về kết quả thai giữa 3 nhóm phôi chuyển.

IV. BÀN LUẬN

Khoa Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện A Thái Nguyên là đơn vị đầu tiên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Thái Nguyên. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi không ngừng trau dồi chuyên môn, nâng cao năng lực trong nuôi cấy phôi. Kết quả tỉ lệ có phôi nang ngày 5 cao (43,85 ± 31,58%) đã mang lại nhiều cơ hội chuyển được phôi chất lượng tốt cho vặp vợ chồng vô sinh. Kết quả ở những trường hợp chuyển phôi ngày 5 có tỉ lệ chuyển đơn phôi cao hơn so với chuyển phôi ngày 3. Phôi ngày 3 bao gồm cả phôi tươi và phôi trữ được chuyển chủ yếu 2 – 3 phôi. Với tỉ lệ có thai cao có ý nghĩa thống kê ở phôi chuyển ngày 5 (tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai diễn tiến lần lượt là 80,7% và 70,2%), và tỉ lệ đơn thai chuyển phôi ngày 5, đa thai ngày 5 cũng có tỉ lệ cao hơn so với chuyển phôi ngày 3.

Nghiên cứu của tác giả Yang L và cộng sự (2018) cho thấy tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai diễn tiến ở nhóm phôi ngày 3 thấp hơn nhiều so với nhóm phôi ngày 5, tương ứng là 59,4% so với 68,4% và 64,4% so với 77,0%. Tỉ lệ sẩy thai sớm không khác biệt giữa 2 nhóm [7]. Nghiên cứu tổng quan hệ thống trên Cochrane (2016) phân tích 27 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng gồm 4031 bệnh nhân nhằm đánh giá chuyển phôi nang (ngày 5 hoặc 6) có cải thiện các kết cục lâm sàng khi so với chuyển phôi giai đoạn phân chia (phôi ngày 2 hoặc 3). Kết quả tỉ lệ thai lâm sàng, trẻ sinh sống ở nhóm chuyển phôi nang cao hơn đáng kể. Trong khi đó, tỉ lệ đa thai, thai cộng dồn không khác biệt giữa 2 nhóm [5]. Trong một phân tích cộng gộp báo cáo năm 2020 tỷ lệ sinh sống tích lũy của những trường hợp chuyển phôi ngày 5 là 56,5% cao hơn có ý nghĩ thống kê so với chuyển phôi ngày 3 là 34,8% [3]. Tại Việt Nam một số các nghiên cũng chứng minh thấy khả năng có thai sau chuyển phôi ngày 5 cao hơn phôi ngày 3, một nghiên cứu tại Trung tâm đào tạo nghiên cứu công nghệ phôi, Học viện Quân Y từ năm 2012 đến năm 2013 cho kết quả với tỷ lệ làm tổ ở nhóm phôi ngày 3 là 25,3% và nhóm phôi ngày 5 là 37,8%, tỉ lệ thai lâm sàng lần lượt là 35.2% và 47,5% [1]. Như vậy, trong nhiều nghiên cứu đã chứng minh chuyển phôi ngày 5 mang lại hiệu qua lâm sàng so với phôi ngày 3. Kết quả của chúng tôi cũng đã thể hiện được ưu điểm của phôi ngày 5; mặc dù chúng tôi chưa hoàn toàn nuôi cấy phôi ngày 5, tuy nhiên với kết quả này là chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng labo cũng như năng lực của chuyên viên phôi để đạt được tỉ lệ nuôi cấy phôi ngày 5 cao. Bên cạnh đó tỉ lệ đa thai ở phôi ngày 5 cũng có tỉ lệ cao hơn so với chuyển phôi ngày 3, đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho chúng tôi trong chiến lược lựa chọn phôi chuyển. Hiện nay, các khuyến cáo rằng nên chuyển đơn phôi ở phôi ngày 5 chất lượng tốt để giảm tỉ lệ đa thai [9].

Tuổi là một yếu tố quan trọng để tiên lượng về khả năng sinh sản của người phụ nữ, đặc biệt trong thụ tinh trong ống nghiệm thì tuổi là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị vô sinh. Nghiên cứu năm 2017 của Safak Hatirnaz và cộng sự trên 190 phụ nữ dưới 37 tuổi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm có chuyển đơn phôi và 2 phôi ngày 3 và ngày 5 cho kết quả tỉ lệ có thai khi chuyển phôi ngày 5 cao hơn so với chuyển phôi ngày 3 (51,3% với 27,4%). Tỷ lệ trẻ sinh sống cũng cao hơn, 47,5% so với 27,4%, tỷ lệ sinh đôi khi chuyển phôi ngày 3 cao hơn ngày 5 là 36,8% so với 30,4% [6]. Kết quả của chúng tôi cho thấy đối với nhóm phụ nữ < 35 tuổi, chuyển phôi ngày 5 thể hiện ưu thế vượt trội về kết quả có thai, tỉ lệ βhCG dương tính, thai diễn tiến lần lượt là 86,7% và 77,8%. Tuy nhiên đối với nhóm tuổi ≥ 35, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kết quả thai giữa ba nhóm phôi chuyển, mặc dù kết quả thai ở nhóm phôi ngày 5 cao hơn so với hai nhóm phôi ngày 3. Trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh Khai về chuyển phôi rã đông ngày 3, nhóm bệnh nhân < 30 tuổi, tỷ lệ chu kỳ có thai lâm sàng cao nhất là 44,3%; 30 đến 35 tuổi tỷ lệ này giảm chỉ còn 41,8%, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với nhóm dưới 30 tuổi (p>0,05). Tỷ lệ có thai lâm sàng ở nhóm > 35 tuổi giảm hẳn so với nhóm dưới 30 và từ 30 đến 35 (p<0,05) [2]. Nghiên cứu của tác giả Park và cộng sự (2019) cho thấy chuyển 1 phôi tốt nhằm giảm tỷ lệ đa thai, chuyển 1 phôi tốt và 1 phôi xấu nên hạn chế vì không có thêm lợi ích nào. Khi chuyển cùng lúc 2 phôi tốt, tỷ lệ trẻ sinh sống là tương đương với tỷ lệ trẻ sinh sống cộng dồn khi chuyển 2 phôi liên tiếp ở 2 chu kỳ. Đối với các bệnh nhân trên 35 tuổi nên chuyển 1 phôi nếu có phôi tốt giúp giảm nguy cơ đa thai, giảm được các nguy cơ thai kỳ ở phụ nữ lớn tuổi [8].

Trong phần lớn các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm, nhiều phôi được tạo ra sau kích thích buồng trứng. Để đạt được tỷ lệ sinh sống tốt nhất, giảm thiểu nguy cơ đa thai, việc trữ phôi và chuyển phôi có thể tiến hành vào thời điểm phôi ngày 3 hoặc phôi ngày 5 và phụ thuộc vào đặc điểm từng bệnh nhân. Kết quả lâm sàng còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau về niêm mạc tử cung, nội tiết, nguyên nhân vô sinh, ….., với kết quả thu được chúng tôi đã khẳng định được khả năng nuôi phôi ngày 5, đông rã phôi ngày 5 để chuyển phôi, đồng thời với việc chuẩn bị niêm mạc tử cung phù hợp dẫn đến tỉ lệ thành công trong chuyển phôi ngày 5.

V. KẾT LUẬN

Niêm mạc tử cung ở nhóm chuyển phôi tươi ngày 3 dày hơn so với hai nhóm chuyển phôi rã đông, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tỉ lệ chuyển 1 phôi ở nhóm phôi ngày 5 (42,1%) cao hơn so với 2 nhóm chuyển phôi ngày 3, tỉ lệ chuyển 2 phôi ngày 5 là thấp nhất trong 3 nhóm, không có trường hợp nào được chuyển 3 phôi ở phôi ngày 5.

Tỉ lệ βhCG dương tính trong nhóm chuyển phôi ngày 5 (80,7%) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với 2 nhóm chuyển phôi ngày 3, tương tự ở tỉ lệ có tim thai và thai diễn tiến ở nhóm chuyển phôi ngày 5 cao hơn so với nhóm chuyển phôi ngày 3. Nhóm chuyển phôi tươi ngày 3 có tỉ lệ thấp nhất trong 3 nhóm ở các kết quả lâm sàng.

Trường hợp người vợ < 35 tuổi, tỉ lệ có thai và phát triển thai cao nhất ở nhóm chuyển phôi rã đông ngày 5, thấp nhất ở nhóm chuyển phôi tươi ngày 3, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Trường hợp người vợ ≥ 35 tuổi, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống về kết quả thai giữa 3 nhóm phôi chuyển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dương Đình Hiếu, Nguyễn Đình Tảo, & Hoàng Quản Lâm. Bước đầu đánh giá mối tương quan về hình thái phôi nuôi cấy ngày 3 và phôi nuôi cấy ngày 5 tại Trung tâm Công nghệ Phôi. Tạp chí Y học Việt Nam, (2013). Số đặc biệt tháng10, tr. 198-206
  2. Nguyễn Thị Minh Khai Đánh giá hiệu quả chuyển phôi trữ đông cho bệnh nhân thụ tinh ống nghiệm tại BVPSTW giai đoạn 2012 -2014. Luận án Tiến Sỹ Y học, (2017). Đại học Y Hà Nội.
  3. Cameron NJ, Bhattacharya S, & McLernon DJ.. Cumulative live birth rates following blastocyst-versus cleavage-stage embryo transfer in the first complete cycle of IVF: a population-based retrospective cohort study. Human Reproduction, (2020), 35,(10), pp. 2365-2374.
  4. Fragouli E, Alfarawati S, Spath K, & Wells D. Morphological and cytogenetic assessment of cleavage and blastocyst stage embryos. Molecular human reproduction, (2014), 20,(2), pp. 117-126.
  5. Glujovsky D, Farquhar C, Retamar AMQ, Sedo CRA, & Blake D. Cleavage stage versus blastocyst stage embryo transfer in assisted reproductive technology. Cochrane database of systematic reviews, (2016). (6)
  6. Hatırnaz Ş, & Pektaş MK. Day 3 embryo transfer versus day 5 blastocyst transfers: A prospective randomized controlled trial. Turkish journal of obstetrics and gynecology, (2017), 14,(2), pp. 82 – 88
  7. Yang L, Cai S, Zhang S, Kong X, Gu Y, Lu C et al.. Single embryo transfer by Day 3 time-lapse selection versus Day 5 conventional morphological selection: a randomized, open-label, non-inferiority trial. Human Reproduction, (2018), 33,(5), pp. 869-876.
  8. Park DS, Kim JW, Chang EM, Lee WS, Yoon TK, & Lyu SW. Strategies in the transfer of varying grades of vitrified‐warmed blastocysts in women aged over 35 years: A propensity‐matched analysis. Journal of Obstetrics Gynaecology Research, (2019), 45,(4), pp. 849-857.
  9. Reimundo Pilar, Romero Javier M Gutiérrez, Pérez Tamara Rodríguez, & Veiga Ernesto %J Advances in Laboratory Medicine/Avances en Medicina de Laboratorio.. Single-embryo transfer: a key strategy to reduce the risk for multiple pregnancy in assisted human reproduction. (2021), 2,(2), pp. 179-188.

( Nguồn: Số 518, tháng 9/2022, Tạp chí Y Học Việt Nam, trang 147-154, link full tạp chí: Pdf Link)