ĐẶC ĐIỂM TINH TRÙNG THU ĐƯỢC TỪ MÀO TINH Ở BỆNH NHÂN VÔ TINH DO TẮC

Lê Phúc Linh1, Quách Thị Yến2, Phạm Đức Minh1, Trịnh An Thiên1, Trần Văn Tuấn1

1Viện Mô Phôi lâm sàng Quân đội – Học viện Quân y

2Bộ môn Mô phôi thai học – Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam

Chịu trách nhiệm chính: Lê Phúc Linh

Email: lplivf@gmail.com

Ngày nhận bài: 22/7/2022

Ngày phản biện khoa học: 07/08/2022

Ngày duyệt bài: 29/08/2022

TÓM TẮT

Mục tiêu: mô tả đặc điểm vi thể tinh trùng (TT) thu được từ mào tinh bằng phương pháp chọc hút TT từ mào tinh qua da (Percutaneuos Epididymal Sperm Aspiration – PESA) ở bệnh nhân vô tinh do tắc. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 66 bệnh nhân vô tinh thu được TT bằng kỹ thuật PESA. Các chỉ tiêu nghiên cứu được đánh giá bao gồm: mật độ, độ di động, tỷ lệ TT sống, tỷ lệ hình thái TT bình thường và các dạng hình thái TT bất thường. Kết quả: trung vị của mật độ TT, tỷ lệ TT sống, hình thái TT bình thường tương ứng là 15 triệu/mL, 42% và 2% với 95% CI tương ứng là 17,87 – 30,09; 37,32 – 49,62 và 1,62 – 2,32. Có 69,70% bệnh nhân có mật độ TT ≥ 10 triệu/mL. Trung vị các loại TT di động: tiến tới, tại chỗ và bất động là 5%; 17,5% và 74% tương ứng. Các dạng bất thường đầu và bất thường phối hợp chiếm tỷ lệ cao nhất, tương ứng là 37,76% và 36,77%; bất thường bào tương còn dư thấp nhất là 4,28%. Kết luận: Mật độ TT thu được từ mào tinh khá cao; riêng tỷ lệ TT sống, hình thái TT bất thường và TT di động kém hơn so với tiêu chuẩn của WHO (2010).
Từ khóa: Phương pháp chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da, Kết quả thụ tinh trong ống nghiệm ở bệnh nhân vô tinh do tắc

SUMMARY

CHARACTERISTICS OF SPERM OBTAINED FROM THE EPIDIDYMAL IN OBSTRUCTIVE AZOOSPERMIA PATIENTS

Objective: To describe the structure and microstructure characteristics of spermatozoa obtained from the Percutaneous Epididymal Sperm Aspiration – PESA in obstructive azoospermia patients. Subjects and research methods: 66 infertility patients were obtained sperm by PESA technique. The research criteria evaluated included: density, motility,  sperm vitality, normal sperm morphology rate and abnormal sperm morphology types. Results: median of sperm density,  sperm vitality, normal sperm morphology were, respectively, 15 million/mL, 42% and 2% with 95% CI of 17.87 – 30.09; 37.32 – 49.62 and 1.62 – 2.32, correspondingly. There were 69.70% of patients with sperm concentration ≥ 10 million/mL. Median of motile sperm categories: progressive, non-progressive and immotile were 5%; 17.5% and 74%,respectively. Head and combined defects accounted for the highest proportion, respectively 37.76% and 36.77%; and excess residual cytoplasm was the lowest at 4.28%. Conclusion: The sperm concentration obtained from the epididymis was reasonably high; however, the reseach’s sperm vitality, abnormality and mobility were lower than WHO standards (2010).

Keys words: Azoospermia, Percutaneuos Epididymal Sperm Aspiration, PESA, IVF results in obstructive azoospermia patients

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vô sinh (VS) là một trong những vấn đề chính của chiến lược sức khỏe sinh sản của Tổ chức y tế thế giới. Theo thống kê, khoảng 40% nguyên nhân VS do vợ, 40% nguyên nhân do chồng, 10% nguyên nhân do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Nguyên nhân VS ở nam giới có thể do tinh trùng (TT) ít, bất thường hình thái TT, nhiễm khuẩn, xuất tinh ngược dòng hoặc không có TT (vô tinh)…Trong đó vô tinh là nguyên nhân gây vô sinh nặng nề nhất ở nam giới và chiếm khoảng 5% ở các cặp vợ chồng VS. Hiện nay, vô tinh được chia thành 2 nhóm: (1) nhóm vô tinh do tắc: TT vẫn được sinh ra trong tinh hoàn, nhưng không đi ra được bên ngoài; (2) nhóm vô tinh không do tắc: do tinh hoàn giảm sinh tinh nặng hay hoàn toàn không sản xuất TT [1]. Năm 1992 với sự ra đời của kỹ thuật tiêm TT vào bào tương của noãn đã mở ra cơ hội làm cha sinh học của nhiều người vô tinh. Tinh trùng được thụ tinh có thể lấy từ mào tinh hoặc từ tinh hoàn. Kỹ thuật chọc hút TT từ mào tinh qua da là kỹ thuật lựa chọn đầu tiên đối với bệnh nhân vô tinh do tắc. Việc chọc hút được TT từ mào tinh và đánh giá được chất lượng của TT có thể là yếu tố tiên lượng cho sự thành công của tỷ lệ thụ tinh. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài này nhằm tìm hiểu về đặc điểm TT thu được từ mào tinh ở người bệnh vô tinh do tắc.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  1. Đối tượng nghiên cứu:

– 66 bệnh nhân vô tinh có TT thu được bằng kỹ thuật chọc hút TT từ mào tinh qua da tại Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân y từ 5/2017 đến 10/2019.

– Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân: là những người không có TT trong tinh dịch được xác định theo tiêu chuẩn của WHO (2010), không phải là xuất tinh ngược dòng.

– Tiêu chuẩn loại trừ: các trường hợp có các bệnh cấp tính, bệnh xã hội, bệnh nội tiết, đang dùng thuốc, hóa chất ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu mô tả hồi cứu

Đánh giá đặc điểm vi thể TT theo tiêu chuẩn WHO (2010) [2]: dịch từ mào tinh được hút vào xilanh 1mL đã pha sẵn 0,3mL môi trường sperm rinse. Các chỉ tiêu đánh giá gồm: mật độ TT, tỷ lệ TT sống, tỷ lệ các loại TT di động và hình thái tinh trùng.

Số liệu được xử lý bằng phần mềm spss 20.0

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu 66 bệnh nhân vô tinh do tắc. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng được minh họa ở bảng 1.

Bảng 1. Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân nghiên cứu

1

Trung vị tuổi, thời gian vô sinh, chỉ số BMI, thể tích tinh hoàn (P) và (T) tương ứng là 31,5 tuổi; 3 năm; 22,81 và 10mL mỗi bên và tương ứng với 95%CI là 30,65 – 32,99; 3,75 – 5,79; 22,12 – 23,47; 9,50 – 11,01; 9,46 – 10,88.

Trung vị nồng độ FSH, LH và Testosterone đều trong giới hạn bình thường và có giá trị tương ứng là 3,8mIU/mL; 3,93mIU/mL và 4,43ng/mL với 95%CI tương ứng là 3,57 – 5,65; 3,61 – 5,55; 4,08 – 5,20.

Trong 66 bệnh vô tinh do tắc, 97% bệnh nhân VS nguyên phát và 3% bệnh nhân VS thứ phát. Có tới 65 bệnh nhân có AZF bình thường (chiếm 98,48%) và chỉ có 1 bệnh nhân bất thường AZFc (chiếm 1,52%).

2. Đặc điểm vi thể tinh trùng thu được từ mào tinh

Trong 66 bệnh nhân vô tinh thu được TT từ mào tinh, do có một số lượng mẫu thu được mật độ ít nên chúng tôi đếm 100 TT/mẫu và đánh giá các tiêu chí. Tổng số TT đánh giá là 6600 tinh trùng.

2

Biểu đồ 1. Phân bố mật độ tinh trùng thu được từ mào tinh

3

Biểu đồ 2. Các dạng hình thái tinh trùng bất thường thu được từ mào tinh

Bảng 2. Đặc điểm mật độ, độ di động, hình thái bình thường, tỷ lệ sống của tinh trùng thu được từ mào tinh

4

Trung vị mật độ TT thu được là 15 triệu/mL với 95%CI là 17,87 – 30,09, nhỏ nhất là 0,4 triệu/mL và lớn nhất là 100 triệu/mL, trong đó mật độ TT ≥ 10 triệu/mL chiếm tỷ lệ cao nhất là 69,70% và thấp nhất là mật độ từ 1 đến dưới 5 triệu/mL, chiếm 4,55% (biểu đồ 1).

Về tỷ lệ di động của TT: TT bất động chiếm tỷ lệ cao nhất và thấp nhất là TT di động tiến tới.

Trung vị hình thái TT bình thường là 2% với 95%CI là 1,62 – 2,32 và trung vị tỷ lệ TT sống là 42% với 95%CI là 37,32 – 49,62.

Dạng bất thường đầu và bất thường phối hợp chiếm tỷ lệ cao nhất và thấp nhất là dạng bất thường bào tương còn dư (biểu đồ 2).

Trong các dạng bất thường đầu TT, dạng bất thường không có túi cực đầu chiếm tỷ lệ nhiều nhất (15,06%) và thấp nhất là dạng bất thường khác (9,17%).

Trong các dạng tinh trùng bất thường cổ và đoạn trung gian, dạng cổ không cân đối chiếm tỷ lệ cao nhất là 30% và thấp nhất là dạng cổ mảnh (17,07%).

Đối với tinh trùng bất thường đuôi, dạng cuộn xoắn chiếm tỷ lệ cao nhất là 30,43% và thấp nhất là dạng khác (20,45%).

IV. BÀN LUẬN

Về đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng bệnh nhân vô tinh trong nghiên cứu được minh họa ở bảng 1: trong 66 bệnh vô tinh, gặp chủ yếu là vô sinh nguyên phát và chỉ có 1 bệnh nhân bất thường AZFc (chiếm 1,52%); thể tích tinh hoàn khá lớn; cá biệt có bệnh nhân vô sinh với thời gian lên tới 20 năm; nồng độ FSH, LH và Testosteron đều trong giới hạn bình thường.

Về mật độ TT: trung vị mật độ TT là 15 triệu/mL với 95% CI là 17,87 – 30,09, thấp nhất là 0,4 triệu/mL và cao nhất là 100 triệu/mL. Trong đó, 69,70% mẫu có mật độ ≥ 10 triệu/mL và thấp nhất là mật độ từ 1 đến dưới 5 triệu/mL, chiếm 4,55%. Cito G. và cs (2018) thu được tinh trùng ở bệnh nhân OA là 0,24 ± 0,01 [3]. Các bệnh nhân thu được TT từ mào tinh chứng tỏ có tắc tại ống mào tinh hoặc tắc tại ống dẫn tinh, ống phóng tinh. Với kết quả trên chứng tỏ các bệnh nhân vô tinh do tắc có thể có quá trình sinh tinh trong tinh hoàn diễn ra bình thường hoặc cũng có thể bị suy giảm một phần. Một vài nghiên cứu đã chứng minh khi tình trạng tắc ống dẫn tinh kéo dài sẽ gây biến đổi cấu trúc

bên trong tinh hoàn. Tại Ấn Độ, Mehrotra và cs (1983) đã nghiên cứu những thay đổi của ống sinh tinh sau thắt từ 1,5 – 5 năm trên 17 bệnh nhân khỏe mạnh nhận thấy: màng đáy dày lên, tế bào dòng tinh thay đổi nhiều, rối loạn sự sắp xếp các tế bào dòng tinh trong ống sinh tinh [4]. Bairati và cs (1986) cũng cho kết luận màng đáy dày lên, số lượng tế bào biểu mô tinh suy giảm khi thắt ống dẫn tinh [5]. Như vậy, rõ ràng việc tắc ống dẫn tinh đã gây suy giảm quá trình sinh tinh bên trong tinh hoàn. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của chúng tôi, vẫn gặp tỷ lệ khá cao các mẫu có mật độ TT ≥ 15 triệu/mL, điều này có thể do các tác nhân gây tắc tác động trong một thời gian ngắn nên chưa đủ gây biến đổi nhiều cấu trúc bên trong tinh hoàn.

Về tỷ lệ TT di động: tinh trùng bất động là cao nhất và thấp nhất là di động tiến tới. Craft I (1995) tiến hành ICSI – PESA với 16 mẫu TT của bệnh nhân vô tinh cho thấy tỷ lệ TT di động từ 0 – 30% [6]. Yafi FA (2013) nghiên cứu đặc điểm TT từ mào tinh bằng kỹ thuật PESA thấy có 192/243 bệnh nhân có TT di động trên 1% (chiếm 79%); 24/243 bệnh nhân có TT di động dưới 1% (chiếm 9,9%) [7]. Cito G. và cs (2018) cho kết quả tỷ lệ TT di động tại mào tinh là 4,8 ± 0,57 [3]. Nghiên cứu của các tác giả không phân loại về khả năng di động của TT vì vậy rất khó để so sánh các kết quả nghiên cứu với nhau.

Về tỷ lệ TT sống: trung vị tỷ lệ TT sống là 42% với CI 95% là 37,32 – 49,62, thấp hơn so với tiêu chuẩn của WHO (2010), trong đó thấp nhất là 0% và cao nhất là 100%. Như vậy, tỷ lệ TT sống trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với tiêu chuẩn của mẫu tinh dịch người bình thường. Điều này có thể do những bệnh nhân bị tắc ống mào tinh hoặc ống dẫn tinh lâu ngày làm biến đổi cấu trúc bên trong tinh hoàn, ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh và gây nên những bất thường nặng nề về TT hoặc có thể do một số mẫu chưa đủ thời gian trưởng thành về mặt chức năng tại mào tinh dẫn đến tỷ lệ TT sống giảm.

Hình thái TT được đánh giá theo tiêu chuẩn của WHO 2010 và được nhuộm bằng phương pháp Papalicolaou. Phương pháp này phân biệt được rõ nhất cực đầu, vùng sau cực đầu, bào tương và các đoạn cổ, đuôi. Việc đánh giá chính xác hình thái TT có giá trị tiên lượng kết quả của IUI, IVF, ICSI, từ đó quyết định rất nhiều đến kết quả thụ thai cũng như chất lượng phôi. TT thu được từ mào tinh trong nghiên cứu có hình thái bất thường khá cao. Trong các loại bất thường, dạng bất thường đầu chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là bất thường phối hợp và thấp nhất là dạng bất thường bào tương còn dư (biểu đồ 2). Kết quả này cũng tương tự nghiên cứu của Phạm Minh Huệ (2012) với tỷ lệ bất thường phối hợp và bất thường đầu chiếm ưu thế [8]. Craft I (1995) nghiên cứu 16 mẫu TT thu từ mào tinh thấy hình thái TT bất thường từ 50 – 95% [6]. Việc đánh giá hình thái bất thường dựa vào các tiêu chuẩn khác nhau của WHO nên kết quả giữa các nghiên cứu có sự không tương xứng. Trong các dạng bất thường đầu, tỷ lệ đầu không có túi cực đầu cao nhất và thấp nhất là dạng bất thường đầu khác. Đối với bất thường cổ và đoạn trung gian, TT có cổ không cân đối chiếm tỷ lệ cao nhất và thấp nhất là cổ mảnh. Trong các dạng bất thường đuôi, dạng cuộn xoắn chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là dạng đuôi ngắn và gập góc; thấp nhất là dạng khác.

V. KẾT LUẬN

Mật độ TT thu được từ mào tinh khá cao. Riêng tỷ lệ TT sống, hình thái TT bình thường và TT di động kém hơn so với tiêu chuẩn của WHO (2010).

Với mật độ trung bình TT là 15 triệu/mL, tỷ lệ TT sống, hình thái TT bình thường là 42% và 2%. Trong đó 69,70% bệnh nhân có mật độ TT ≥ 10 triệu/mL; 12,12% có mật độ TT < 1 triệu/ml và 4,55% có mật độ TT < 5 triệu/ml.  TT di động tiến tới, tại chỗ và bất động là 5%; 17,5% và 74%. Các dạng bất thường đầu và bất thường phối hợp chiếm tỷ lệ cao nhất, tương ứng là 37,76% và 36,77%; bất thường bào tương còn dư thấp nhất là 4,28%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (2013). Nội tiết sinh sản, 2, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  2. WHO (2010). WHO laboratory manual for the Examination and processing of human semen, 5th, Geneva, Switzerland.
  3. Cito G., Coccia M.E., Picone R., et al. (2018). Novel method of histopathological analysis after testicular sperm extraction in patients with nonobstructive and obstructive azoospermia. Clin Exp Reprod Med., 45(4):170–176.
  4. Mehrotra R, Tandon P, Singh KM. Ultrastructural appearances of interstitial tissue of testis in vasectomised individuals. Indian J Med Res, 1983, 77: 347 – 52.
  5. Bairati A., Morte E.D., Giarola A., et al. (1986). Testicular biopsy of azoospermic men with vas deferens malformation using two different techniques. Archives of Androl., 17(1):67–78.
  6. Craft I., Tsirigotis M., Bennett V., et al. (1995). Percutaneous epididymal sperm aspiration and intracytoplasmic sperm injection in the management of infertility due to obstructive azoospermia. Fertil Steril., 63(5):1038–1042.
  7. Yafi F.A., Zini A. (2013). Percutaneous epididymal sperm aspiration for men with obstructive azoospermia: predictors of successful sperm retrieval. Urol., 82(2):341–344.
  8. Phạm Minh Huệ (2012). Nghiên cứu hình thái cấu trúc, siêu cấu trúc tinh trùng ở mào tinh của bệnh nhân vô tinh và sự biến đổi trong môi trường nuôi cấy in vitro, Luận văn Thạc sỹ y học, Học viện Quân Y.

( Nguồn: Số 518, tháng 9/2022, Tạp chí Y Học Việt Nam, trang 185-190, link full tạp chí: Pdf Link)