ĐẶC ĐIỂM MÔ GÂN ĐỒNG LOẠI BẢO QUẢN LẠNH SÂU TẠI NGÂN HÀNG MÔ – BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC

Dương Công Nguyên¹, Trần Thị Hằng¹, Nguyễn Văn Chỉnh¹, Lê Thị Hạnh², Hà Văn Phú¹, Nguyễn Thị Điểm¹, Nguyễn Thu Hạnh¹

1Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

2Đại học Y Hà Nội

Chịu trách nhiệm chính: Dương Công Nguyên

Email: nguyenduongg7@gmail.com

Ngày nhận bài: 28/7/2022

Ngày phản biện khoa học: 16/08/2022

Ngày duyệt bài: 30/08/2022

TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Chấn thương khớp gối là một tổn thương thường gặp trong tai nạn thể thao, tai nạn giao thông, sinh hoạt, trong đó có 1 tỷ lệ cao bị đứt dây chằng chéo trước cần phải phẫu thuật tái tạo. Trước đây, phẫu thuật tạo hình dây chằng khớp gối đều phải sử dụng gân của chính bệnh nhân (gân ghép tự thân) và tồn tại nhiều nhược điểm. Sử dụng mảnh ghép gân đồng loài khắc phục được những nhược điểm đó. Năm 2018, Ngân hàng mô – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được thành lập, trong đó quy trình sàng lọc, thu nhận, xử lý và bảo quản mô gân đồng loài từ người hiến chết não bằng phương pháp lạnh sâu đã được áp dụng và thực hiện.
Mục tiêu nghiên cứu: nhận xét tình hình thu nhận, xử lý, bảo quản và sử dụng mô gân đồng loài trên lâm sàng.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, hồi cứu các mẫu mô gân bảo quản tại Ngân hàng mô – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 3/2018 đến 3/2020.
Kết quả: đã thực hiện bảo quản 142 mô gân từ 12 bệnh nhân chết não hiến đa mô tạng với chấn thương sọ não chiếm 92%, 100% các gân sau thu hồi đều có màu trắng hồng, không tím đen, 97,2% mô gân thu hồi nguyên vẹn; 100% mô gân đảm bảo quy cách đóng gói, nhiệt độ bảo quản và vô trùng sau chiếu xạ; đã ghép lại 19 mô gân.
Kết luận: tổng số 142 mô gân đã được bảo quản từ 12 bệnh nhân hiến chết não, chấn thương sọ não là nguyên nhân tử vong chủ yếu; hình thái đại thể, quy cách đóng gói, nhiệt độ bảo quản, độ vô trùng mô gân đảm bảo yêu cầu; đã ghép lại 19 mô gân.
Từ khóa: dây chằng chéo trước, mô gân đồng loại, ngân hàng mô.

SUMMARY

CHARACTERISTICS OF THE CRYOPREVED HUMAN TENDON IN VIET DUC TISSUE BANK

Knee injury is a common injury in sports accidents, traffic accidents, and activities, in which there is a high rate of anterior cruciate ligament rupture requiring reconstructive surgery.  In the past, knee ligament blepharoplasty had to use the patient’s own tendons (autologous graft tendons) and there were many disadvantages. Using a co-species tendon graft overcomes those disadvantages. In 2018, the Tissue Bank – Viet Duc Friendship Hospital was established, in which the process of screening, collecting, processing, and preserving homogenous tendon tissue from brain dead donors by deep cold method was applied and implemented.

Objectives: to evaluation on the collection, preservation, and transplant tendon allograft.

Materials and methods: Research on description and retrospective study of tendon tissue samples preserved at tissue bank – Viet Duc Friendship Hospital from 3/2018 to 3/2020.

Results: 142 tendon tissues were preserved from 12 brain-dead donor patients with traumatic brain injury accounting for 92%, 100% of the recovered tendons were pinkish-white, not purple-black, 97.2% of the recovered tendon tissue intact; 100% of tendon tissue ensures packaging specifications, storage temperature and sterility after irradiation; transplanted 19 tendon allografts.

Conclusion: 142 tendon tissues have been preserved from 12 brain death donor patients, traumatic brain injury is the main cause of death; general morphology, packaging specifications, storage temperature, sterility of tendon tissue ensured requirements; transplanted 19 tendon allografts.

Keywords: anterior cruciate ligament, tendon allograft, tissue bank.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chấn thương khớp gối là một tổn thương thường gặp trong tai nạn thể thao, tai nạn giao thông, sinh hoạt, trong đó có 1 tỷ lệ cao bị đứt dây chằng chéo trước cần phải phẫu thuật tái tạo. Ước tính tại Mỹ, có tới 125.000 – 200.000 ca phẫu thuật nội soi tái tạo mỗi năm­­. Theo Trần Hoàng Tùng, từ 2005 – 2013, bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 1962 ca phẫu thuật nội soi khớp gối các loại trong đó có đến 1541 ca tái tạo dây chằng chéo trước [2].

Trước đây, phẫu thuật tạo hình dây chằng khớp gối đều phải sử dụng gân của chính bệnh nhân (gân ghép tự thân) và tồn tại nhiều nhược điểm như: để lại những phiền nạn tại vùng lấy gân; kéo dài thời gian phẫu thuật; số lượng và kích thước mảnh ghép bị giới hạn, nhất là trong những tổn thương nặng, đứt nhiều dây chằng thì mảnh ghép tự thân không đủ bù vào vị trí tổn thương. Sử dụng mảnh ghép gân đồng loài khắc phục được những nhược điểm đó.  Trên thế giới, việc sử dụng mảnh ghép gân đồng loài trên người cho tạo hình dây chằng khớp gối đã được thực hiện trên 30 năm. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn điều trị, từ năm 2008, cùng với sự ra đời của “Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác”, Labo. Công nghệ mô ghép – Đại học Y Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu quy trình bảo quản lạnh sâu mảnh ghép gân đồng loài, khử khuẩn bằng tia gamma, ghép thực nghiệm trên động vật và trên lâm sàng diện hẹp cho kết quả tốt [4]. Năm 2018, Ngân hàng mô – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được thành lập, trở thành Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam được cấp phép và đi vào hoạt động và đã kế thừa các thành tựu nghiên cứu của các cơ sở trên và cập nhật các tiến bộ của các ngân hàng mô trên thế giới. Trong đó, quy trình sàng lọc, thu nhận, xử lý và bảo quản mô gân đồng loài từ người hiến chết não bằng phương pháp lạnh sâu đã được Ngân hàng mô áp dụng và thực hiện. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Nhận xét đặc điểm mô gân đồng loài được bảo quản lạnh tại Ngân hàng mô – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sâu từ 3/2018 đến 3/2020 với mục tiêu nhận xét tình hình thu nhận, xử lý, bảo quản và sử dụng mô gân đồng loài trên lâm sàng.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  1. Đối tượng nghiên cứu: Tất cả mô gân đồng loài thu nhận từ người hiến chết não được bảo quản tại Ngân hàng mô – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 3/2018 đến 3/2020.
  2. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu mô tả, hồi cứu.

– Cỡ mẫu: thuận tiện theo chủ đích

– Quy trình bảo quản: Quy trình chuẩn đã ban hành nội bộ của Ngân hàng mô – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trên cơ sở quy trình của Hiệp hội ngân hàng mô châu Á – Thái Bình Dương (APASTB) và hiệp hội ngân hàng mô Hoa Kỳ (AATB)

– Chỉ tiêu nghiên cứu:

* Đặc điểm bệnh nhân chết não hiến mô gân

  • Tuổi, giới
  • Nguyên nhân tử vong
  • Loại mô, tạng hiến

* Đặc điểm quá trình thu nhận, xử lý, bảo quản và ghép lại các mô gân

  • Thời gian thu nhận gân/ bệnh nhân hiến
  • Số mô gân thu hồi/ bệnh nhân hiến
  • Tình trạng cân, cơ, mỡ bám: sạch hay nhiều cân, cơ, mỡ bám.
  • Màu sắc gân: trắng hồng hay tím nhạt.
  • Độ nguyên vẹn của gân: nguyên vẹn hay dập, rách.
  • Kết quả cấy khuẩn vi sinh trước xử lý và sau chiếu xạ
  • Nhiệt độ bảo quản
  • Quy cách đóng gói bảo quản
  • Số lượng và loại gân đã bảo quản
  • Chiều dài, đường kính gân theo chủng loại
  • Số lượng, loại gân đã sử dụng ghép lại trên bệnh nhân
  • Thời gian từ khi thu nhận bảo quản gân đến khi sử dụng
  1. Địa điểm nghiên cứu: Ngân hàng mô – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
  2. Phương pháp xử lý số liệu: bằng các thuật toán thống kê y học.
  3. Đạo đức trong nghiên cứu: được đảm bảo theo quy định, các số liệu thu thập được từ kết quả nghiên cứu chỉ nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích khác.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm người hiến mô gân

Bảng 3.1: Bảng tổng hợp đặc điểm người hiến mô gân

1

(CTSN: Chấn thương sọ não)

 Trong 12 bệnh nhân chết não hiến mô gân, có 11/12 bệnh nhân trong độ tuổi từ 18-60, chỉ có 1 bệnh nhân trên 60 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 19 và lớn tuổi nhất là 69; bệnh nhân có giới tính nam chiếm chủ yếu (11/12 bệnh nhân). Có 11/12 bệnh nhân chết não hiến tạng tử vong do nguyên nhân chấn thương sọ não, chiếm 92%, có 1/12 bệnh nhân chết não có nguyên nhân tử vong là dị dạng mạch máu não. 100% bệnh nhân chết não hiến mô gân, đồng thời hiến các tạng và mô khác.

Bảng 3.2: Kết quả xét nghiệm huyết thanh bệnh nhân hiến mô gân (N = 12)

2

Tất cả 12 bệnh nhân (100%) hiến mô gân đều có kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính với HIV, HBV, HCV, Giang mai.

3.2. Đặc điểm quá trình thu nhận, xử lý và bảo quản mô gân

Bảng 3.3: Thời gian thu hồi gân và số gân thu hồi từ bệnh nhân hiến (N=12)

3

Thời gian thu hồi mô gân của 1 bệnh nhân hiến trung bình là 41,7±14,0 phút (30-60 phút). Số lượng mô gân thu hồi trung bình 1 bệnh nhân hiến trung bình là 11,8±2,6 gân (9-16 gân).

Bảng 3.4. Đặc điểm đại thể gân được thu nhận và quá trình bảo quản (N=142)

4

100% các gân sau thu hồi đều còn nhiều cân, cơ, mỡ bám và có màu trắng hồng. Không có gân thu hồi có màu tím nhạt. Có 97,2% mô gân (138/142) gân thu hồi nguyên vẹn; có 2 gân thu hồi bị dập rách chiếm tỷ lệ 1,4%; 2 gân thu hồi có máu tụ chiếm tỷ lệ 1,4%.

100% mô gân đều được đóng gói đúng quy cách và có nhiệt độ bảo quản ổn định ở -86 ºC.

Bảng 3.5: Kết quả cấy khuẩn vi sinh các mẫu mô gân được bảo quản (N=12)

5

Trong giai đoạn thu hồi mô đã có 01 lô gân (tương ứng 1 bệnh nhân hiến) có kết quả dương tính với vi khuẩn kỵ khí; 100% các lô gân có kết quả cấy khuẩn âm tính với vi khuẩn hiếu khí và vi nấm. Trong giai đoạn sau chiếu xạ, 100% các mẫu mô đều có kết quả cấy khuẩn âm tính với vi khuẩn hiếu khí, kỵ khí và vi nấm.

3.3. Đặc điểm mô gân được bảo quản và ghép lại

Bảng 3.6: Số lượng và kích thước các mô gân được bảo quản (N=142)

6

Số lượng gân cẳng chân chiếm tỷ lệ lớn nhất 66,2% với đường kính trung bình 4,5±1,3 mm, chiều dài trung bình 200±5mm. Số lượng gân Achille chiếm tỷ lệ 16,9% với đường kính trung bình 10±1 mm, chiều dài trung bình 143±26 mm. Số lượng gân bánh chè chiếm tỷ lệ 16,9% với đường kính trung bình 13±2 mm, chiều dài trung bình 84±19 mm.

Bảng 3.7: Bảng tổng hợp mô gân bảo quản sử dụng để ghép cho bệnh nhân (N=19)

7

Đã có tổng số 19 mô gân được ghép lại cho 11 bệnh nhân, trong đó có 2 gân Achille, 17 gân cẳng chân. Thời gian bảo quản mô gân đến khi được sử dụng trung bình là 9,15 tháng, thời gian ngắn nhất là 6 tháng và dài nhất là 12 tháng.

IV. BÀN LUẬN

Trong 2 năm từ 3/2018 đến 3/2020, đã có 12 người hiến chết não hiến mô gân, con số này tương đối khiêm tốn so với quy mô dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam. Tỉ lệ hiến tạng trên 1 triệu dân (PMP) của một số nước như Tây Ban Nha, Đức, Anh, Hà Lan, Hàn quốc, Nhật và Ấn Độ lần lượt là 43,4; 10,4; 21,14; 14,71; 10,6; 0,7; 0.34. Điều này có thể do tâm lý và truyền thống người Việt Nam hay rộng hơn là người châu Á coi trọng sự toàn vẹn về thể xác sau khi chết. Do vậy cách tổ chức mô hình và đào tạo nhân lực phục vụ cho hiến mô-tạng, sự giáo dục và cung cấp thông tin liên quan đến ghép mô-tạng, người chết não là cần thiết để tăng số lượng người hiến. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, lượng người tiềm năng hiến tạng chết não vẫn còn rất nhiều. Để tận dụng tốt cơ hội nhận tạng từ người hiến chết não, cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế chẩn đoán chết não mở hơn, quy định về độ tuổi hiến tạng, cơ chế đảm bảo tài chính cho người được hiến tạng… Đã có 11 bệnh nhân chết não hiến tạng tử vong do nguyên nhân chấn thương sọ não, chiếm 92%. Điều này có khác biệt lớn với nguyên nhân bệnh nhân chết não ở các nước tiên tiến: nghiên cứu của Bodi (2015) tại Tây Ban Nha, tai biến mạch não chiếm tới 40,6%, chấn thương sọ não chỉ chiếm 20,3%; Trịnh Hồng Sơn (2016) tại Pháp, tai biến mạch não chiếm 62,2%, chấn thương sọ não chiếm có 20,3% [5-6].

Trong 12 bệnh nhân chết não hiến mô gân, tuổi trung bình là 31.2±15.2 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 19 và lớn tuổi nhất là 69. Đã có nhiều nghiên cứu về sự ảnh hưởng của tuổi người hiến đến chất lượng mô gân, nghiên cứu của Katherine R Swank (2015) trên 550 gân với 6 nhóm tuổi: 15–29 tuổi, 30–39 tuổi, 40–49 tuổi, 50–59 tuổi, 60–69 tuổi, 70–79 tuổi cho thấy sự khác biệt về tính chất cơ học của gân người hiến ở các độ tuổi khác nhau là không đáng kể  [8].

Số lượng mô gân thu hồi trung bình 1 bệnh nhân hiến trung bình là 11,8±2,6 gân (9 – 16 gân). Trên thực tế, số lượng gân thu được trên mỗi người hiến có thể rất lớn, nếu lấy cả các cơ từ cẳng tay và vùng đùi. Tuy nhiên, hiện tại các phẫu thuật viên chỉ lấy gân ở đoạn cẳng chân, một phần do các gân ở vùng này dày và chắc hơn so với cẳng tay. Thêm nữa do thời gian thực hiện lấy mô bị giới hạn do các vấn đề từ người nhà bệnh nhân và giờ thực hiện thủ tục hậu sự sau đó, các gân khi phẫu tích có thể bị hư hỏng, do chấn thương hoặc do thao tác người thu nhận mô, dẫn đến không lấy được hết các gân ở cẳng chân.

Trong quá trình thu nhận và xử lý mô ghép, sự đánh giá trực quan là không thể thiếu trong việc quyết định mô có đủ điều kiện thu nhận hay không. Một số tiêu chuẩn loại trừ về hình thái gân: gân có màu tím đen, gân tụ máu nhiều, dập, rách,…Với 142 gân thu nhận, tất cả đều có màu trắng hồng, các gân có màu tím nhạt, biểu hiện của thiếu máu, hoại tử sẽ không được thu nhận. Với áp lực về thời gian cần thu hồi gân nhanh chóng để bàn giao lại thi thể cho gia đình bệnh nhân, rất khó để các phẫu thuật viên có thể làm sạch toàn bộ cân, cơ, mỡ bám trên gân. Khi đó gân sẽ được đóng gói và vận chuyển về Ngân hàng mô và xử lý làm sạch. Các tiêu chí về hình thái đại thể gân thu nhận của chúng tôi đều cao hơn so với các nghiên cứu của Trần Tiến Đạt (2016) trên gân được thu hồi từ chi cắt cụt, đặc biệt là tỷ lệ gân thu hồi có màu sắc tím nhạt. Điều này khá dễ hiểu,

do các chi cắt cụt đa phần đều dập nát, đôi khi bị nhiễm bẩn do tai nạn; gân cũng không thể được thu hồi ngay khi cắt cụt chi mà thường phải đợi nhiều giờ sau khi có sự đồng ý hiến từ bệnh nhân và gia đình [3].

Kết quả cấy khuẩn vi sinh giai đoạn thu hồi mô đã có 01/12 lô gân (tỷ lệ 8,3%) dương tính với vi khuẩn kỵ khí. Trên thế giới, tỷ lệ nhiễm khuẩn mô gân giai đoạn thu hồi dao động từ 0 đến 10,1%, các yếu tố có thể kể đến như vị trí thu nhận, số người tham gia, phòng thực hiện, thời gian thu nhận mô là các yếu tố ảnh hưởng [7]. Trong giai đoạn sau chiếu xạ, 100 % các mẫu mô đều có kết quả cấy khuẩn âm tính với vi khuẩn hiếu khí, kỵ khí và vi nấm, khi đó mô gân mới được phép ghép trên bệnh nhân.

Tất cả 142/142 mô gân đều được đóng gói đúng quy cách trong túi vô trùng và có nhiệt độ bảo quản ổn định ở -86 ºC. Nhiệt độ này, các phản ứng sinh hóa diễn ra rất chậm, do vậy có thể bảo quản mô trong thời gian dài mà không tổn hại đến mô và không có sự nhân lên của vi khuẩn. Khi có nhu cầu sử dụng, mô gân sẽ được rã đông.

Trong 2 năm, chúng tôi đã thực hiện bảo quản được 142 mô gân các loại (bánh chè, Achille, cẳng chân). Một trong những vấn đề các phẫu thuật viên quan tâm là thông số đường kính ứng dụng và chiều dài. Theo Lê Mạnh Sơn (2016) khi tái tạo hai bó DCCT thì phần dây chằng nằm trong khớp trung bình của bó trước trong là 24,0 ± 1,3 mm , của bó sau ngoài là 15,6 ± 1,7mm. Đường kính và chiều dài các gân bánh chè và Achille của chúng tôi lớn hơn nhiều so với đường kính mảnh ghép tự thân là gân bán gân và cơ thon (6,5 – 8,5 mm [1]. Đây chính là ưu điểm vượt trội của mảnh ghép gân đồng loại so với mảnh ghép tự thân. Các gân cẳng chân có số lượng lớn, kích thước phong phú, các phẫu thuật viên có thể gập đôi, hoặc khâu kết hợp nhiều sợi gân, do vậy có thể chủ động được độ dài và kích thước mảnh ghép mong muốn. Như vậy, có thể thấy với sự đa dạng về chủng loại, kích thước gân được bảo quản tại Ngân hàng mô hoàn toàn đáp ứng tối đa các yêu cầu về nhu cầu của người bệnh và kỹ thuật sử dụng của phẫu thuật viên tái tạo dây chằng chéo trước hay các dây chằng khác.

Đã có tổng số 19 mô gân được ghép lại cho 11 bệnh nhân, Các mô gân để ghép lại tương ứng với mỗi bệnh nhân đều được phẫu thuật viên lựa chọn, cân nhắc để phù hợp với lâm sàng và kỹ thuật sử dụng ưa thích của mình. Trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian bảo quản mô gân đến khi được sử dụng trung bình là 9,15 thángg (6 – 12 tháng). Thời gian bảo quản mô gân bằng phương pháp lạnh sâu có chiếu xạ có thể kéo dài tới 5 năm mà vẫn đảm bảo được chất lượng, ngân hàng mô sẽ chủ động cung cấp nguồn mô gân ghép phong phú cho nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

V. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu các mô gân được bảo quản tại Ngân hàng mô – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 3/2018 – 3/2020, chúng tôi có những kết luận sau: tổng số 142 mô gân đã được bảo quản từ 12 bệnh nhân hiến chết não, chấn thương sọ não là nguyên nhân tử vong chủ yếu; hình thái đại thể, quy cách đóng gói, nhiệt độ bảo quản, độ vô trùng mô gân đảm bảo yêu cầu; đã ghép lại 19 mô gân.

 

KHUYẾN NGHỊ

Trên cơ sở nghiên cứu này, chúng tôi đề nghị:

  • Đẩy mạnh công tác vận động hiến mô, tạng để cứu giúp thêm nhiều bệnh nhân.
  • Triển khai các nghiên cứu đánh giá lâm sàng bệnh nhân sau ghép.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Mạnh Sơn (2016), Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước hai bó bằng gân cơ bán gân và gân cơ thon tự thân, Luận án Tiến sỹ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
  2. Trần Hoàng Tùng (2018), Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi tái tạo hai bó dây chằng chéo trước sử dụng gân bánh chè đồng loại, Luận án tiến sĩ y học, Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
  3. Trần Tiến Đạt (2016), Nhận xét mối liên quan giữa đặc điểm gân Achilles đồng loại bảo quản lạnh sâu và khả năng liên mảnh ghép trên lâm sàng, Khóa luận tốt nghiệp Bác sỹ đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
  4. Trần Trung Dũng (2011), Nghiên cứu sử dụng mảnh ghép đồng loại bảo quản lạnh sâu tạo hình dây chằng chéo trước khớp gối qua nội soi, Luận án Tiến sỹ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
  5. Trịnh Hồng Sơn và Nguyễn Thành Khiêm (2016). Đặc điểm lâm sàng ở người cho tạng chết não năm 2014 tại khoa phẫu thuật gan mật tụy bệnh viện Hautpierre, Strasbourg, Cộng hòa Pháp. Y Học Thực Hành, 5, 102–106.
  6. Bodí M.A., Pont T., Sandiumenge A. và cộng sự. (2015). Brain death organ donation potential and life support therapy limitation in neurocritical patients. Med Intensiva, 39(6), 337–344.
  7. Schubert T., Bigaré E., Van Isacker T. và cộng sự. (2012). Analysis of predisposing factors for contamination of bone and tendon allografts. Cell Tissue Bank, 13(3), 421–429.
  8. Swank K.R., Behn A.W., và Dragoo J.L. (2015). The effect of donor age on structural and mechanical properties of allograft tendons. Am J Sports Med, 43(2), 453–459.

( Nguồn: Số 518, tháng 9/2022, Tạp chí Y Học Việt Nam, trang 84-91, link full tạp chí: Pdf Link)