ĐẶC ĐIỂM KIỂU GEN CỦA BỆNH NHÂN MẮC ALPHA-THALASSEMIA TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TRUNG ƯƠNG VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ MỘT SỐ CHỈ SỐ TRONG SÀNG LỌC TRƯỚC SINH BỆNH ALPHA- THALASSEMIA

Nguyễn Phương Ngọc1, Trần Danh Cường1,2, Ngô Toàn Anh2, Lê Thị Minh Phương3, Đặng Anh Linh2, Nguyễn Thị Bích Vân1,2, Hoàng Thị Ngọc Lan1,2, Phạm Thu Hương2, Vũ Thuỳ Dương2, Phạm Minh Trang2, Phạm Quang Anh4, Lê Thị Quyên1, Vũ Thị Huyền1, Nguyễn Bá Tùng5, Nguyễn Thị Minh Ngọc1, Đinh Thị Ngọc Mai1, Đỗ Đức Huy1, Trần Vân Anh1, Nguyễn Thị Trang1

1Đại học Y Hà Nội

2Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương

3Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội

4Đại học Y Dược Thái Bình

5Học viện Quân y

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Trang

Email: trangnguyen@hmu.edu.vn

Ngày nhận bài: 24/7/2022

Ngày phản biện khoa học: 07/08/2022

Ngày duyệt bài: 27/08/2022

TÓM TẮT

Mục tiêu nghiên cứu: mô tả đặc điểm kiểu gen của các thai phụ và chồng mắc alpha-thalassemia và đánh giá hiệu quả của một số chỉ số trong sàng lọc trước sinh alpha-thalassemia. Đối tượng nghiên cứu: 1104 bệnh nhân (gồm thai phụ và chồng) có nguy cơ cao sau khi làm sàng lọc và có kết quả xét nghiệm di truyền học phân tử bệnh thalassemia. Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang. Kết quả: Phát hiện 765/1104 trường hợp mang đột biến gen alpha-thalassemia, đa số là đột biến –SEA (89,35%), sau đó là các đột biến -α4.2 và –α3.7 với tỉ lệ lần lượt là 1.57% và 1.43%. Nếu nâng ngưỡng MCV trong sàng lọc lên mức MCV <85fL so với ngưỡng <80 fL sẽ làm tăng số bệnh nhân có nguy cơ cao cũng như làm tăng số bệnh nhân alpha-thalassemia được phát hiện. Giá trị dự báo alpha-thalassemia của các ngưỡng MCV và MCH không có chênh lệch đáng kể (>70%). Điện di xác định thành phần hemoglobin không có giá trị trong sàng lọc alpha-thalassemia.
Từ khoá: alpha-thalassemia, sàng lọc trước sinh, hemoglobin, đột biến.

SUMMARY

THE CHARACTERISTIC OF GENOTYPE OF ALPHA-THALASSEMIA PATIENTS AT THE NATIONAL HOSPITAL OF OBSTETRICS AND GYNECOLOGY AND EVALUATING THE EFFECTIVENESS OF INDICATORS IN SCREENING FOR ALPHA-THALASSEMIA
The aim of this study was to describe the characteristics of the genotype of alpha-thalassemia patients at the National hospital of Obstetrics and Gynecology as well as evaluate the effectiveness of indices in prenatal screening for alpha-thalassemia. Our study was carried out on 1104 patients at high risk and performed genetic testing for thalassemia. The results showed that: we found 765 alpha-thalassemia patients and the most common type was –SEA deletion (89.35%), followed by -α4.2 and -α3.7 mutations with the rate of 1.57% and 1.43%, respectively. Raising the MCV threshold in screening to MCV <85fL compared to <80 fL would increase the number of patients at high risk as well as diagnosed with alpha-thalassemia. The PPVs of MCV and MCH cut-offs were approximately equal (>70%). Hemoglobin variant analysis was not effective in prenatal screening for alpha-thalassemia.
Keywords: alpha-thalassemia, prenatal screening, hemoglobin, mutation.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Αlpha-thalassemia là bệnh lí di truyền huyết học rất phổ biến trên thế giới với số người mang gen lên đến hơn 20%1. Bệnh có kiểu gen và sự biểu hiện kiểu hình đa dạng, từ không có triệu chứng lâm sàng đến rất nặng khiến cá thể tử vong ngay từ trong giai đoạn bào thai. Việc bệnh còn lưu hành với tỉ lệ khá cao gây những hậu quả nghiêm trọng tới bản thân người mắc bệnh, gia đình, xã hội và bộ gen của loài người khiến cho việc dự phòng bệnh là rất cần thiết. Sự hiểu biết về đặc điểm kiểu gen, kiểu hình và các chỉ số trong sàng lọc alpha-thalassemia sẽ giúp các chuyên gia, nhà lâm sàng phân tích các kết quả xét nghiệm một cách chính xác, từ đó đưa ra các chỉ định và lời tư vấn hợp lí tới các thai phụ nhằm hạn chế tối đa sinh ra những đứa trẻ mắc bệnh. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu: mô tả đặc điểm kiểu gen của vợ chồng thai phụ được chẩn đoán mắc alpha-thalassemia tại bệnh viện Phụ Sản Trung Ương và đánh giá hiệu quả của một số chỉ số trong sàng lọc trước sinh alpha-thalassemia.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

– Tiêu chuẩn lựa chọn: Bệnh nhân có nguy cơ cao khi sàng lọc thalassemia bao gồm:

+ MCV <85 fL hoặc MCH <28 pg.

+ Hoặc có tiền sử sinh con bị phù thai hoặc có con đã được chẩn đoán mắc alpha thalassemia hoặc trong gia đình có người mắc alpha thalassemia.

– Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân mắc các bệnh lí khác làm ảnh hưởng đến kết quả công thức máu hoặc điện di huyết sắc tố.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.

– Cỡ mẫu: Chọn mẫu không xác suất (chọn mẫu thuận tiện) từ hồ sơ bệnh án của 1104 thai phụ và chồng có nguy cơ cao mắc thalassemia khi làm sàng lọc trước sinh tại bệnh viện Phụ Sản Trung Ương trong thời gian từ tháng 8/2021- 12/2021.

– Xử lí số liệu: Số liệu được xử lí bằng phần mềm SPSS 20.

2.3. Đạo đức nghiên cứu:

Tất cả các thông tin về bệnh nhân được giữ bí mật và chỉ được sử dụng để phân tích phục vụ cho chẩn đoán, tư vấn và điều trị, không nhằm mục đích nào khác.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm đột biến

Bảng 1: Phân bố các loại đột biến alpha-thalassemia

1

Trong số các đột biến alpha-thalassemia, đột biến dị hợp tử –SEA chiếm tỉ lệ cao nhất với 89,35%, gấp gần 60 lần loại phổ biến thứ hai là dị hợp tử -α4.2 với tỉ lệ là 1,57%. Ngoài ra, chúng tôi còn gặp các thể phối hợp alpha-thalassemia với HbE chiếm tỉ lệ 3,04%, trong đó chủ yếu là α0-thalassemia (2,66%) với 100% là đột biến –SEA.

3.2. Đánh giá hiệu quả của một số chỉ số trong sàng lọc alpha-thalassemia

Bảng 2: Đặc điểm chỉ số MCV ở bệnh nhân mắc alpha-thalassemia

2

Trong số 576 bệnh nhân mắc alpha-thalassemia có kết quả xét nghiệm công thức máu, với ngưỡng MCV <80 fL phát hiện được 560 bệnh nhân mắc alpha thalassemia, chiếm 97,22%. Trong khi đó có 11 bệnh nhân mắc bệnh (chiếm 1,91%) có MCV nằm trong khoảng từ 80-85fL và 5 bệnh nhân (chiếm 0,87%) có MCV >85fL.

Bảng 3: Giá trị dự báo dương tính của MCV và MCH trong sàng lọc alpha-thalassemia

3

Tất cả các ngưỡng sàng lọc trên đều cho giá trị dự báo alpha-thalassemia trên 70%, trong đó thấp nhất là ngưỡng MCV <85 fL (70,84%) và cao nhất là MCH <27 pg (72,32%).

Bảng 4. So sánh phần trăm trung bình của các loại hemoglobin ở người mắc alpha-thalassemia và người bình thường

4

Điện di huyết sắc tố là một trong các xét nghiệm sàng lọc thalassemia. Trong số 416 bệnh nhân mắc alpha-thalassemia được làm điện di huyết sắc tố, phần trăm trung bình của HbA là 97,09%, HbA2 là 2,36% và HbF là 0,19%. Các giá trị này cũng hoàn toàn nằm trong ngưỡng tham chiếu ở người bình thường. Đồng thời đối với mỗi loại HbA, HbA2 và HbF, số lượng bệnh nhân nằm trong ngưỡng bình thường lần lượt là 80,29%, 96,39% và 90,87%.

IV. BÀN LUẬN

Trong tổng số 1104 bệnh nhân được làm xét nghiệm di truyền phân tử, có 765 bệnh nhân mắc alpha-thalassemia chiếm 69,29%, gấp hơn 3 lần các thể bệnh khác. Tỉ lệ mang gen alpha-thalassemia cao cũng đồng nhất với nghiên cứu tương tự của Đặng Thị Hồng Thiện tiến hành trên các thai phụ đến sàng lọc trước sinh tại bệnh viện Phụ Sản Trung Ương năm 20193. Nguyên nhân là do các bà mẹ đã có tiền sử sinh con bị phù thai sẽ chủ động đến khám, làm sàng lọc, dự phòng và điều trị bệnh thalassemia cho thai kì lần này. Khi phân tích các loại đột biến alpha-thalassemia, chúng tôi chỉ phát hiện được một số loại đột biến nhất định, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là đột biến –SEA với tỉ lệ 89,35% (Bảng 1). Điều này cũng phù hợp với tần suất các thể đột biến alpha-thalassemia tại Đông Nam Á với đột biến –SEA chiếm đa số4. Người mang đột biến này sẽ có biểu hiện bệnh ở mức độ nhẹ, nhiều khi không phát hiện ra tình trạng bệnh của mình, dẫn đến trường hợp nếu hai người có cùng kiểu gen này kết hôn và sinh con thì xác suất 25% đứa con sẽ bị phù thai. Một nghiên cứu năm 2016 được thực hiện tại bệnh viện Phụ Sản Trung Ương cho thấy nguyên nhân của phù thai-rau chủ yếu là do thai mắc alpha-thalassemia, chiếm 44,8% tổng các nguyên nhân gây phù thai5.

MCV và MCH là hai chỉ số được TIF và WHO khuyến cáo sử dụng trong sàng lọc trước sinh thalassemia. Hồng cầu nhỏ với MCV <80fL và hồng cầu nhược sắc với MCH <28pg đều là các biểu hiện của bệnh thalassemia. Tuy nhiên từ bảng 2 có thể thấy nếu chỉ chọn ra những bệnh nhân có MCV <80fL để làm chẩn đoán gen sẽ để sót 16 bệnh nhân (2,87%) mắc alpha-thalassemia không được phát hiện. Nếu nâng ngưỡng MCV trong sàng lọc lên mức MCV <85fL sẽ làm tăng số bệnh nhân có nguy cơ cao cũng như làm tăng số bệnh nhân alpha-thalassemia được chẩn đoán. Đây cũng là ngưỡng MCV được Bộ Y Tế khuyến cáo trong Quyết định số 1807/QĐ-BYT ban hành năm 2020 về hướng dẫn sàng lọc một số bệnh lí trước sinh trong đó có thalassemia6. Tuy nhiên khi lấy ngưỡng MCV <85 để sàng lọc sẽ làm cho giá trị dự báo alpha-thalassemia giảm xuống đối với các thể bệnh khác (70,84%) so với MCV <80 fL (72,35%) đồng nghĩa với khả năng bệnh nhân đó mắc các đột biến khác hoặc không mắc thalassemia sẽ tăng lên (bảng 3). Nếu bệnh nhân có đồng thời MCV <85fL và MCH <28pg thì khả năng bệnh nhân đó mắc alpha-thalassemia là 71,61%. Ở nghiên cứu này chúng tôi không đánh giá được hai chỉ số là độ nhạy và độ đặc hiệu do có các cặp vợ chồng đã được sàng lọc với MCH và MCV trước khi được làm xét nghiệm di truyền học phân tử.

Điện di hemoglobin giúp xác định tỉ lệ phần trăm các loại hemoglobin trong máu cũng như phát hiện các hemoglobin bất thường. Bảng 4 cho thấy phần trăm trung bình của các loại hemoglobin trong máu người mắc alpha-thalassemia nằm trong giới hạn của người bình thường. Đối với mỗi loại Hb gồm HbA, HbA2 và HbF, số lượng bệnh nhân nằm trong ngưỡng bình thường đều cao trên 80%. Như vậy đối với alpha-thalassemia, các ngưỡng tham chiếu của người bình thường khi điện di hemoglobin đều không có giá trị sàng lọc.

V. KẾT LUẬN

Trong số 1104 bệnh nhân được làm xét nghiệm gen, phát hiện 765 trường hợp mắc alpha-thalassemia, chủ yếu là đột biến –SEA (89,35%) sau đó là các đột biến -α4.2 và –α3.7 với tỉ lệ lần lượt là 1,57% và 1,43%. Nếu nâng ngưỡng MCV trong sàng lọc lên mức MCV <85fL so với ngưỡng <80fL sẽ làm tăng số bệnh nhân có nguy cơ cao cũng như làm tăng số bệnh nhân alpha-thalassemia được phát hiện. Giá trị dự báo alpha-thalassemia của các ngưỡng MCV và MCH không có chênh lệch đáng kể (>70%). Điện di xác định thành phần hemoglobin không có giá trị trong sàng lọc alpha-thalassemia.

LỜI CẢM ƠN

Nhóm tác giả xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương. Nghiên cứu này thuộc đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp ở Việt Nam” thuộc chương trình KC-4.0/19-25.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Modell B, Darlison M. Global epidemiology of haemoglobin disorders and derived service indicators. Bull World Health Organ. Jun 2008;86(6):480-7.
  2. Bộ YT. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Hemophilia và bệnh Thalassemia. Quyết định 921/QĐ-BYT ngày 18/3/2014. 2014;
  3. Đặng Thị Hồng Thiện. Nghiên cứu sàng lọc bệnh Thalassemia ở phụ nữ có thai đến khám và điều trị tại bệnh viện Phụ Sản Trung Ương. 2019;
  4. Jomoui W, Fucharoen G, Sanchaisuriya K, et al. Genetic origin of α(0)-thalassemia (SEA deletion) in Southeast Asian populations and application to accurate prenatal diagnosis of Hb Bart’s hydrops fetalis syndrome. J Hum Genet. 2017;62(8):747-754.
  5. Nông Văn Uyển, Trần Danh Cường. Bước đầu nghiên cứu xác định một số nguyên nhân phù thai – rau không do miễn dịch. Tạp chí Phụ sản. 2016;14(1):22 – 25.
  6. Quyết định số1807/QĐ-BYT Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh (2020).

( Nguồn: Số 518, tháng 9/2022, Tạp chí Y Học Việt Nam, trang 203-207, link full tạp chí: Pdf Link)