ẢNH HƯỞNG CỦA HÌNH THÁI NOÃN CÓ LƯỚI NỘI CHẤT TRƠN ĐẾN KẾT QUẢ THỤ TINH ỐNG NGHIỆM

Nguyễn Minh Đức1, Đặng Tiến Trường2, Nguyễn Thanh Tùng2

1Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội

2Học viện Quân y

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thanh Tùng

Email: tung_ttcnp@yahoo.com

Ngày nhận bài: 28/7/2022

Ngày phản biện khoa học: 12/08/2022

Ngày duyệt bài: 19/08/2022

TÓM TẮT

Mục tiêu: xác định tỷ lệ thụ tinh và chất lượng phôi ngày 2, kết quả thụ tinh ống nghiệm của noãn trưởng thành có hình ảnh lưới nội chất trơn.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 498 noãn trưởng thành (MII) được chia thành 2 nhóm: 311 noãn có SERa và 187 noãn không có SERa được so sánh về tỷ lệ thụ tinh và chất lượng phôi ngày 2. 176 chu kỳ thực hiện chuyển phôi đông lạnh, chia thành hai nhóm: 82 chu kỳ có noãn SERa và 94 chu kỳ không có noãn SERa. Kết quả: tỷ lệ thụ tinh của noãn có SERa là thấp hơn so với noãn không có SERa, tương ứng 72,67% và 80,74% với p < 0,05, tỷ lệ phôi tốt và khá ngày 2 của noãn có SERa cao hơn noãn không có SERa tương ứng 63,02% và 47,59% với p < 0,001. Không có sự khác biệt về tỷ lệ thai lâm sàng có tim thai và trẻ sinh sống giữa chu kỳ chuyển phôi đông lạnh ngày 2 có noãn SERa và chu kỳ không có noãn SERa, tương ứng lần lượt là (53,66% và 56,38%), (48,78% và 42,55%) với p > 0,05. Kết luận: noãn có SERa có thể không ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh, chất lượng phôi ngày 2. Chu kỳ chuyển phôi đông lạnh ngày 2 có noãn SERa có tỷ lệ thai lâm sàng có tim thai và trẻ sinh sống tương tự như chu kỳ không có noãn SERa.
Từ khóa: lưới nội chất trơn tạo cụm (SERa), ICSI, IVF.

SUMMARY

EFFECT OF SMOOTH ENDOPLASMIC RETICULUM AGGREGATES IN METAPHASE II OOCYTES ON THE OUTCOME OF IVF CYCLES

Objective: Determine the rate of fertilization and embryo quality on day 2, IVF result of mature oocytes with smooth endoplasmic reticulum aggregates.

Subjects and methods: 311 metaphase II oocytes with SERa was compared to 187 metaphase II oocytes without SERa about the rate of fertilization and embryo quality on day 2. 176 cycles were performed to transfer frozen embryos including 81 cycles having SERa+ oocytes and 94 cycles having SERa- oocytes.

Results: Fertilazation rate was slightly (p<0.05) reduced in oocytes with SERa compared to oocytes without SERa (72.67% vs 80.74%), p > 0.05. However, the rate of embryo quality (good and medium) in SERa+ oocytes was higher than SERa- oocytes (63.02 vs 47.59), p<0.001. There were no statistically significant differences about the clinical pregnancy rate with heart rhythm and the live birth rates between SERa+ cycles and SER- cycles, (53.66% vs 56.38%; p> 0.05), (44.78% vs 42.55%; p > 0,05). Conclusions: SERa+ oocytes could not affect fertilization and embryo quality on day 2. The clinical pregnant and live birth rates of SERa+ cycles were similar to SERa – cycles.

Key words: SERa (Smooth Endoplasmic Reticulum aggregates), ICSI (Intra-cytoplasmic sperm injection), IVF (Invitro fertilization).

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp duy nhất đánh giá hình thái noãn và phôi được quan sát trực tiếp dưới kính hiển vi. Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intra-cytoplasmic sperm injection – ICSI) sẽ đánh giá được chất lượng của noãn đầy đủ khi tất cả các tế bào hạt và vành tia đều được loại bỏ, sự trưởng thành về nhân của noãn thông qua việc xuất hiện thể cực 1. Lưới nội chất trơn tạo cụm (SERa) là một trong những đặc điểm của noãn rất dễ nhận biết qua trường sáng thường, xuất hiện trong bào tương của noãn có hình ảnh đĩa dẹt giống như không bào (hình A). Nó là tập hợp của ống lưới nội chất không hạt ribosom, bao quanh là các ti thể. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy noãn có SERa ảnh hưởng tới tỷ lệ sảy thai sớm, bất thường thai [1], [2] và khuyến cáo của Hiệp hội Hỗ trợ sinh sản Châu Âu – ESHRE năm 2012 không thực hiện thụ tinh cho noãn SERa. Đây cũng là lý do phần nào noãn SERa đã bị hạn chế nghiên cứu ở châu Âu. Tuy nhiên cũng có những nghiên cứu chỉ ra sự ảnh hưởng của SERa đến các tỷ lệ này là chưa rõ ràng, có dẫn chứng em bé sinh ra khỏe mạnh từ noãn SERa. Để góp phần vào tạo thêm dữ liệu đánh giá, chúng tôi thực hiện nghiên cứu về noãn SERa với mục tiêu xác định tỷ lệ thụ tinh và chất lượng phôi ngày 2, kết quả thụ tinh ống nghiệm của noãn trưởng thành có hình ảnh lưới nội chất trơn.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

– Đối tượng: 498 noãn trưởng thành (MII) thu được từ các bệnh nhân được chỉ định làm thụ tinh ống nghiệm được chia thành 2 nhóm: 311 noãn có SERa (SERa+)  và 187 noãn không có SERa (SER-).

176 chu kỳ thực hiện chuyển phôi đông lạnh ngày 2, chia thành hai nhóm: 82 chu kỳ có noãn SERa và 94 chu kỳ không có noãn SERa.

Tiêu chuẩn loại trừ: noãn đông lạnh, tinh trùng chích xuất từ mào tinh, tinh hoàn, tử cung bất thường, niêm mạc mỏng, dính buồng tử cung.

Tiêu chuẩn lựa chọn: tinh dịch đồ bình thường theo tiêu chuẩn của WHO 2021 [3].

– Thời gian nghiên cứu: tháng 2 năm 2020 đến tháng 10 năm 2021 tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

– Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả tiến cứu.

Bệnh nhân được kích trứng bằng phác đồ antagonist với liều FSH phù hợp, khi có ít nhất 2 nang ≥ 17 mm thì gây trưởng thành noãn bằng HCG 5000 IU. Sau 36 giờ dùng HCG, thực hiện chọc hút trứng dưới hướng dẫn của siêu âm qua đường ngả ba âm đạo. Trứng rửa bằng môi trường GMOPs (37oC), ủ trứng từ 2 đến 3 giờ trong môi trường G-IVF (37oC, 6% CO2 và 5% O2), sau đó thực hiện tách các lớp tế bào hạt bằng môi trường HYAS (Vitrolife, Thụy Điển). Sau 2 giờ tách trứng, kỹ thuật ICSI được thực hiện ở độ phóng đại 200 lần của kính hiển vi soi ngược – Observe D1 (Carl Zeiss) có gắn bộ vi thao tác. Trong quá trình này sẽ quan sát thấy noãn có hình ảnh SERa trong bào tương không. Sau khi thực hiện ICSI, mỗi một noãn được nuôi riêng trong giọt 20µl đến 30µl môi trường LP 50 (Life Global, Hoa Kỳ) phủ dầu LightOil (Life Global, Hoa Kỳ) trong tủ ấm Forma 37oC, 6% CO2 và 5% O2 . Đánh giá thụ tinh được thực hiện sau ICSI 16 đến 18 giờ và đánh giá phôi ngày hai sau 44 – 46 giờ theo đồng thuận Alpha – Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ [4]. Toàn bộ các phôi ngày 2 được đông lạnh bằng kỹ thuật thủy tinh hóa. Sau 2 chu kỳ từ lúc chọc trứng, bệnh nhân được chuẩn bị niêm mạc tử cung bằng liệu pháp thay thế hormon và chuyển phôi đông lạnh.

– Phương pháp xử lý số liệu và tính toán: phần mềm sử dụng cho thống kê là Excel và SPSS 21.0 với tiêu chuẩn Chi Test để so sánh hai tỷ lệ.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1. So sánh tỷ lệ thụ tinh và chất lượng phôi giữa hai loại noãn

1

Bảng 1 cho thấy tỷ lệ thụ tinh của noãn có SERa là 72.67% thấp hơn so với tỷ lệ thụ tinh của noãn không có SERa (p < 0,05), nhưng tỷ lệ phôi tốt và khá ngày 2 của noãn có SERa cao hơn noãn không có SERa, tương ứng là 63,02% và 47,59% (p< 0,001), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Bảng 2. So sánh kết quả lâm sàng giữa chu kỳ chuyển phôi đông lạnh có noãn SERa và không có SERa

2

Bảng 2 cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng có tim thai giữa chu kỳ chuyển phôi đông lạnh ngày 2 có noãn SERa và không có noãn SERa tương ứng lần lượt là 53,66% và 56,38%, không có sự khác biệt với p > 0,05. Tỷ lệ ca có trẻ sinh sống của hai nhóm này là 48,78% và 42,55%, không có sự khác biệt với p > 0,05.

3

(1.Màng trong suốt; 2. Thể cực 1; 3. Lưới nội chất trơn – SERa)

Nguồn: Viện Mô Phôi lâm sàng Quân đội – Học viện Quân y

IV. BÀN LUẬN

Với số lượng lớn phôi tốt và khá được hình thành từ hình thái noãn SERa, việc loại bỏ hoàn toàn số phôi này sẽ gặp rất bất lợi đối với bệnh nhân nếu tuân theo khuyến cáo của ESHRE. Trước hết, tỷ lệ noãn SERa bắt gặp từ 1% đến 12% theo như thông báo của các tác giả Ebner (2008) [5] và gần đây nhất là Gurunath (2019) [6]. Nghiên cứu về hình thái noãn SERa của Balanba (2006) và Ebner (2006) đều cho rằng  noãn có SERa có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của thai nhi, gây sảy thai hoặc dị tật thai nhi sớm [1], [2]. Vì lý do đạo đức y học, hình thái phôi vẫn là yếu tố quyết định cho các nhà phôi học đưa ra các quyết định lựa chọn phôi để chuyển cho bệnh nhân, những phôi lên từ noãn có SERa có thể không được ưu tiên hoặc chuyển cùng các phôi lên từ noãn không có SERa. Năm 2016, Chloe và cộng sự thực hiện chuyển phôi cho 21 bệnh nhân có phôi từ noãn SERa, có tổng cộng 8 bệnh nhân có thai. Trong số đó, 1 bệnh nhân không có tim thai, 2 bệnh nhân sảy thai tự nhiên, 1 bệnh nhân chửa ngoài tử cung, và 4 bệnh nhân có sinh con, tất cả đều khỏe mạnh với 5 trẻ sinh ra [7]. Như vậy, việc sử dụng noãn SERa tùy thuộc vào từng trung tâm hỗ trợ sinh sản. Do đó, việc ngăn ngừa và phòng tránh dị tật và bất thường nhiễm sắc thể có thể thực hiện kỹ thuật sàng lọc di truyền trước chuyển phôi (PGT – Preimplantation Genetic Testing) đối với phôi lên từ noãn có SERa.

V. KẾT LUẬN

Noãn có SERa có thể không ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh, chất lượng phôi ngày 2. Chu kỳ chuyển phôi đông lạnh ngày 2 có noãn SERa có tỷ lệ thai lâm sàng có tim thai và trẻ sinh sống tương tự như chu kỳ không có noãn SERa.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được hoàn thành với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp labo thụ tinh trong ống nghiệm của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Balaban Basak, Urman Bulent (2006). Effect of oocyte morphology on embryo development and implantation. Reproductive BioMedicine Online, Volume 12, Issue 5, Pages 608-615.
  2. Ebner Thomas, Moser Marianne, Tews Gernot (2006). Is oocyte morphology prognostic of embryo developmental potential after ICSI?. Reproductive BioMedicine Online, Volume 12, Issue 4, Pages 507-512.
  3. WHO (2021). Laboratory manual for the Examination and processing of human semen.
  4. Alpha Scientists in Reproductive Medicine and ESHRE Special Interest Group of Embryology. The Istanbul consensus workshop on embryo assessment: proceedings of an expert meeting. Human Reproduction, Volume 26,Issue6, June 2011, Pages 1270–1283.
  5. Ebner T, Moser M et al (2008). Prognosis of oocytes showing aggregation of smooth endoplasmic reticulum. Reproductive BioMedicine Online, Volume 16, Issue 1, Pages 113-118, ISSN 1472-6483.
  6. Gurunath S, Biliangady R, Sundhararaj U M et al (2019). Live Birth Rates in In vitro Fertilization Cycles with Oocytes Containing Smooth Endoplasmic Reticulum Aggregates and Normal Oocytes. Journal of human reproductive sciences, 12(2), 156–163. doi:10.4103/jhrs.JHRS_92_18.
  7. Chloë S J, Anne L, Thomas N V B et al (2016). Oocytes affected by smooth endoplasmic reticulum aggregates: to discard or not to discard?. Arch Gynecol Obstet, 2016, 294: 175. https://doi.org/10.1007/s00404-016-4066-1.

( Nguồn: Số 518, tháng 9/2022, Tạp chí Y Học Việt Nam, trang 143-147, link full tạp chí: Pdf Link)