MỘT SỐ KÍCH THƯỚC GIÁC MẠC, ĐỒNG TỬ Ở HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ MẮC TẬT KHÚC XẠ

Đỗ Thị Hài1,2, Nguyễn Duy Bắc2, Đặng Tiến Trường2, Nguyễn Xuân Kiên2

1Đại học Y Dược Thái Bình

2Học Viện Quân Y

Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Xuân Kiên

Email: xuankien64@yahoo.com

Ngày nhận bài: 25/7/2022

Ngày phản biện khoa học: 10/08/2022

Ngày duyệt bài: 28/08/2022

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Bán kính cong giác mạc, đường kính giác mạc và đường kính đồng tử là các chỉ số quan trọng trong nhãn khoa, thay đổi trong các bệnh lý, tật khúc xạ. Học sinh trung học cơ sở là đối tượng có tỷ lệ mắc tật khúc xạ cao. Mục tiêu nghiên cứu: So sánh sự thay đổi một số kích thước giác mạc và dồng tử của nhóm học sinh trung học cơ sở bình thường và nhóm có tật khúc xạ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang có phân tích trên 985 đối tượng từ 13 đến 16 tuổi (525 nam và 460 nữ) bằng máy đo khúc xạ tự động ARK-1. Kết quả nghiên cứu: Bán kính cong lớn nhất của giác mạc là 7,95 ± 0,27 mm ở mắt chính thị, 7,93 ± 0,39 mm ở mắt cận thị, 7,93 ± 0,24 mm ở mắt viễn thị và 7,96 ± 0,28 mm ở mắt loạn thị. Bán kính cong nhỏ nhất của giác mạc là 7,78 ± 0,27 mm ở mắt chính thị, 7,76 ± 0,26mm ở mắt cận thị, 7,78 ± 0,31mm ở mắt viễn thị và 7,65 ± 0,29 mm ở mắt loạn thị. Bán kính cong trung bình của giác mạc là 7,87 ± 0,27 mm ở mắt chính thị, 7,85 ± 0,26 mm ở mắt cận thị, 7,86 ± 0,30mm ở mắt viễn thị và 7,78 ± 0,47mm ở mắt loạn thị. Đường kính giác mạc là 12,40 ± 0,69 mm ở mắt chính thị, 12,10 ± 0,85mm ở mắt cận thị, 12,50 ± 0,84 mm ở mắt viễn thị và 12,10 ± 0,60 mm ở mắt loạn thị. Đường kính đồng tử là 6,10 ± 0,74mm ở mắt chính thị, 6,10 ± 0,71mm ở mắt cận thị, 6,10± 0,44mm ở mắt viễn thị và 6,00 ± 0,80mm ở mắt loạn thị. Kết luận: Kích thước giác mạc có sự khác biệt ý nghĩa giữa nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xa (p<0,05). Không có sự khác biệt về đường kính đồng tử giữa nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xạ (p>0,05).
Từ khóa: Bán kính cong giác mạc, đường kính giác mạc, đường kính đồng tử, tật khúc xạ, học sinh trung học cơ sở.

SUMMARY

SOME MEASUREMENT OF CURVATURE AND PUPIL OF THE SECONDARY SCHOOL STUDENT WITH FRACTIVE ERRORS

Introduction: The corneal radius of curvature, corneal diameter and pupil diameter are the important index in ophthalmology, changes in pathologies and refractive errors. The secondary school students have a high rate of refractive errors. Objectives: Comparing the change of the corneal size and pupil size in the normal group and the refractive group of the secondary school student. Subjects and methods: Cross sectional study description with analysis on 985 subjects aged 13 to 16 years (525 males and 460 females), measuring method by automatic refractometer ARK – 1. Results: The maximum cornael radius of curvature was 7,65 ± 0.24 mm in emmetropic eyes, 7,71 ± 0.27 mm in myopic eyes, 7,75 ± 0.25 mm in hyperopic eyes and 7,71 ± 0.23 mm in astigmatic eyes. The minimum cornael radius of curvature was 7,87 ± 0,27 mm in emmetropic eyes, 7,76 ± 0,26 mm in myopic eyes, 7,78 ± 0,31mm in hyperopic eyes and 7,65 ± 0,29 in astigmatic eyes. The mean cornael radius of curvature was 7,87 ± 0,27 mm in emmetropic eyes, 7,85 ± 0,26 mm in myopic eyes, 7,86 ± 0,30 mm in hyperopic eyes and 7,78 ± 0,47 mm in astigmatic eyes. The corneal diameter was 12,40 ± 0,69mm in emmetropic eyes, 12,10 ± 0,85 mm in myopic eyes, 12,50 ± 0,84 mm in hyperopic eyes and 12,10 ± 0,60 mm in astigmatic eyes. The pupil diameter was 6,10 ± 0,74 mm in emmetropic eyes, 6,10 ± 0,71 mm in myopic eyes, 6,10 ± 0,44 mm in hyperopic eyes and 6,00 ± 0,80 mm in astigmatic eyes. Conclusion: The cornael size has a significant difference between the normal group and the group with a refractive error (p<0,05). There was no difference in pupil diameter between the normal group and the group with a refractive error (p>0,05).

Keywords: corneal radius of curvature, corneal diameter, pupil diameter, refractive error, secondary school pupil.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Các chỉ số sinh học của nhãn cầu có giá trị trong nghiên cứu và áp dụng trên lâm sàng. Các đặc điểm hình thái giác mạc như: đường kính, bán kính cong của giác mạc và đường kính đồng tử là các kích thước quan trọng trong nhãn khoa như: chẩn đoán tật khúc xạ, thiết kế kính áp tròng, kính nội nhãn…. Tỷ lệ tật khúc xạ cao ở trẻ em học đường, nhu cầu sử dụng kính nội nhãn và kính áp tròng cao đặt ra yêu cầu về đặc điểm hình thái giác mạc, đồng tử hỗ trợ trong đo, chỉnh cỡ kính trong lâm sàng. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả trên thế giới mắt có tật khúc xạ có sự thay đổi kích thước giác mạc, đồng tử. Ở Việt Nam chưa có báo cáo nào về những sự thay đổi này ở học sinh trung học là đối tương có tỷ lệ mắc tật khúc xạ cao. Vì vậy, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài với mục tiêu: So sánh sự thay đổi của một số kích thước giác mạc, đồng tử ở nhóm học sinh trung học cơ sở bình thường và nhóm có tật khúc xạ.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng gồm 985 học sinh (525 nam, 460 nữ), từ 13 đến 16 tuổi thuộc các khối lớp 6 đến lớp 9 tại một số trường trung học cơ sở của  một số tỉnh phía bắc.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang có phân tích.

– Chỉ tiêu nghiên cứu: Bán kính cong giác mạc (mm), đường kính giác mạc (mm), đường kính đồng tử (mm).

– Phương pháp xử lý số liệu: Phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0.

– Đạo đức nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành và chấp thuận của Hội đồng y đức trong nghiên cứu y sinh học Học viện Quân Y. Kỹ thuật đo không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của đối tượng. Số liệu thu được chỉ dùng cho mục đích nghiên cứu.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

3.1.1. Đặc điểm về tuổi, giới.

Đặc điểm về tuổi và giới của đối tượng nghiên cứu được trình bày trên bảng 3.1.

1

Kết quả trên bảng 3.1 cho thấy 985 học sinh (1965 mắt) THCS tuổi từ 13- 16 (trung bình 14,49 ± 1,09), gồm 525 nam (53,3%) và 460 nữ (46,7%); Không có sự khác biệt về tỷ lệ giới tính ở các nhóm tuổi với p>0,05.

Đặc điểm cơ cấu tật khúc của đối tượng nghiên cứu được thể hiện qua các bảng sau:

Cơ cấu tật khúc xạ

2

Biểu đồ 3.1: Cơ cấu tật khúc xạ

Biểu đồ 3.1 cho thấy trong số 1965 mắt nghiên cứu, mắt loạn thị chiếm tỉ lệ cao nhất (41,6%), sau đó đến mắt cận thị (36,5%), thấp nhất là mắt viễn thị (1,5%). Số lượng mắt bình thường (mắt chính thị) chỉ chiếm 20,4 %.

3.2. Kích thước giác mạc

3.2.1. Bán kính cong giác mạc

Kết quả đo bán kính cong của giác mạc ở nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xạ được trình bày trên bảng 3.2 đến 3.4

Bảng 3.2: Bán kính cong lớn nhất của giác mạc ở ở nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xạ

3

Kết quả trong bảng 3.9 cho thấy, bán kính cong lớn nhất của giác mạc trung bình của hai giới ở nhóm chính thị là 7,95 ± 0,27 mm lớn hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm cận thị là 7,93 ± 0,39 mm, viễn thị là 7,93 ± 0,24 mm với p < 0,05.  Bán kính cong lớn nhất của giác mạc mắt chính thị và mắt mắc tật khúc xạ ở nam giới lớn hơn ở nữ giới có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Bảng 3.3: Bán kính cong nhỏ nhất của giác ở nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xạ

4

Kết quả trong bảng 3.3 cho thấy,  bán kính cong nhỏ nhất của giác mạc trung bình của hai giới ở nhóm chính thị là 7,78 ± 0,27 mm lớn hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm cận thị là 7,76 ± 0,26 mm, loạn thị là 7,65 ± 0,29 mm với p < 0,05.

Bán kính cong nhỏ nhất của giác mạc mắt chính thị và mắt mắc tật khúc xạ ở nam giới lớn hơn ở nữ giới có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Bảng 3.4: Bán kính cong trung bình của giác mạc ở nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xạ

5

Kết quả trong bảng 3.4 cho thấy, bán kính cong trung bình của giác mạc trung bình của hai giới ở nhóm chính thị là 7,87 ± 0,27 mm lớn hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm cận thị là 7,85 ± 0,26 mm, viễn thị là 7,86 ± 0,30 mm, loạn thị là 7,78 ± 0,47 mm với p < 0,05.

Bán kính cong trung bình của giác mạc mắt chính thị và mắt mắc tật khúc xạ ở nam giới lớn hơn ở nữ giới có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Đường kính giác mạc

Đường kính giác mạc ở nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xạ được trình bày trong bảng 3.5:

Bảng 3.5: Đường kính giác mạc ở nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xạ

6

Kết quả trong bảng 3.5 cho thấy, đường kính giác mạc trung bình của hai giới ở nhóm chính thị là 12,40 ± 0,69 mm cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm cận thị là 12,10 ± 0,85 mm và nhóm loạn thị là 12,10 ± 0,60 mm ở khoảng tin cậy 95% với p < 0,05.

Đường kính giác mạc mắt chính thị và mắt mắc tật khúc xạ ở nam lớn hơn nữ có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Đường kính đồng tử

Kết quả đo đường kính của đồng tử ở nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xạ được thể hiện trên bảng sau:

Bảng 3.6: Đường kính đồng tử ở ở nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xạ

7

Kết quả trong bảng 3.6 cho thấy, đường kính đồng tử trung bình của hai giới ở nhóm chính thị là 6,1 ± 0,74 mm khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với nhóm cận thị là 6,10 ± 0,71 mm, nhóm viễn thị là 6,10 ± 0,44 mm và nhóm loạn thị là 6,10 ± 0,71 mm với p > 0,05.

Đường kính đồng tử mắt chính thị và mắt mắc tật khúc xạ ở nam lớn hơn nữ không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

IV. BÀN LUẬN

Nghiên cứu được thực hiện trên 985 học sinh trong đó tỷ lệ nam là 53,2% và nữ là 46,8%. Tỷ lệ mắt có tật khúc xạ là 79,6%, loạn thị chiếm tỷ lệ cao nhất (41,6%) sau đó là cận thị (36,5%), viễn thị chiếm 1,5%. Tỷ lệ nữ giới bị tật khúc cao hơn nam giới trái ngược với nghiên cứu của Đường Anh Thơ năm 2008 ở Bệnh viện mắt Trung ương (tỷ lệ nam/ nữ là 50,3/49,7) [1]. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác lại cho thấy tỷ lệ tật khúc xạ ở nữ cao hơn nam [2].

Các bán kính cong của mắt chính thị đều lớn hơn của mắt cận thị (7,95 mm so với 7,93 mm, 7,78 mm so với 7,76 mm, 7,87 mm so với 7,85 mm). Điều này là hoàn toàn hợp lý vì bán kính cong lớn hơn thì độ hội tụ sẽ thấp hơn, do đó ảnh sẽ ở phía sau hơn. Kết quả này tương đồng với một số tác giả như Iyamu E.[3], Saleh H.A. Alhussain [4] nhưng lại trái ngược với nghiên cứu của Nguyễn Đức Anh (bán kính cong giác mạc của mắt cận thị cao hơn của mắt chính thị) [5]. Bán kính cong lớn nhất, trung bình của giác mạc ở nhóm chính thị lớn hơn nhóm viễn thị (7,95 mm so với 7,93 mm, 7,87 mm so với 7,68 mm), bán kính cong nhỏ nhất thì nhỏ hơn có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Điều này không hợp lý vì mắt viễn thị có công suất giác mạc thấp hơn mắt chính thị, ảnh do mắt viễn thị tạo ra ở sau võng mạc do vậy theo lý thuyết các bán kính cong ở mắt viễn thị sẽ phải lớn hơn so với mắt chính thị.

Các bán kính cong nhỏ nhất và bán kính cong trung bình của mắt viễn thị đều lớn hơn của mắt cận thị. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì bán kính cong lớn hơn thì độ hội tụ sẽ thấp hơn, do đó ảnh sẽ ở phía sau hơn. Tuy nhiên, bán kính cong giác mạc ở mắt chính thị lại cao hơn so với ở mắt viễn thị, kết quả này không hợp lí vì mắt viễn thị có công suất giác mạc thấp hơn mắt chính thị. Điều này có thể lý giải là do công suất khúc xạ của mắt không chỉ phụ thuộc vào kích thước của giác mạc mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như công suất khúc xạ của thủy tinh thể, chiều dài trục nhãn cầu, tỷ lệ giữa bán kính cong giác mạc và chiều dài trục nhãn cầu…Vì vậy cần có nghiên cứu lớn hơn về các chỉ số sinh học khác để thấy được mức độ ảnh hưởng của chúng lên tình trạng khúc xạ của nhãn cầu.

Đường kính giác mạc ở mắt chính thị cao hơn so với mắt cận thị (12,50 mm so với 12,20 mm). Sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê. Kết quả này khác biệt so với công bố của Shi-Ming Li [6] với đường kính giác mạc của mắt chính thị là 12,02 ± 0,41 mm, của mắt cận thị là 12,02 ± 0,43 mm và không có sự khác biệt giữa hai nhóm. Tuy nhiên điều này là không hợp lý. Đường kính giác mạc ở nhóm viễn thị lớn hơn nhóm chính thị (12,50 ± 0,84 mm và 12,40 ± 0,69 mm). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Kết quả này phù hợp với lý thuyết và tương đồng với nghiên cứu của Shi-Ming Li [6] cho thấy đường kính giác mạc ở mắt viễn thị là 12,07 ± 0,49 mm ở mắt chính thị là 12,02 ± 0,41 mm. Tuy nhiên tác giả lại cho rằng không có sự khác biệt giữa hai nhóm trên.

Đường kính đồng tử của các nhóm khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này trái ngược với kết luận của Guillon M. [7] cho thấy đường kính đồng tử ở mắt chính thị là 4,32 ± 1,53 mm, ở mắt cận thị là 4,21 ± 1,62 mm và có sự khác biệt giữa hai nhóm. Sự khác biệt giữa kết quả nghiên cứu của chúng tôi so với nghiên cứu của Guillon M có thể do phương pháp đo khác nhau ở các cường độ ánh sáng khác nhau.

V. KẾT LUẬN

Kích thước giác mạc có sự khác biệt ý nghĩa giữa nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xa (p<0,05). Không có sự khác biệt về đường kính đồng tử giữa nhóm bình thường và nhóm có tật khúc xạ (p>0,05).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đường Thị Anh Thơ (2008), Khảo sát một số chỉ số sinh học ở mắt trẻ em có tật khúc xạ. Luận văn thạc sỹ. Trường Đại Học Y Hà Nội, Hà Nội.
  2. Hoàng Hữu Khôi (2017), Nghiên cứu tật khúc xạ và mô hình can thiệp ở học sinh trung học cơ sở thành phố Đà Nẵng. Luận án tiến sỹ. Đại học Huế.
  3. Iyamu E., Iyamu J. and Obiakor C. I. (2011), The role of axial length-corneal radius of curvature ratio in refractive state categorization in a nigerian population, ISRN Ophthalmol. 2011, p. 138941.
  4. Alhussain S.H.A. et al. (2021), The role of peripheral ocular length and peripheral corneal radius of curvature in determining refractive error. J Optom.
  5. Nguyễn Đức Anh và Đỗ Phương (2007), Mối liên quan giữa bán kính cong giác mạc và tật khúc xạ, Tạp chí Y học thực hành. 1, pp. 156-160.
  6. Li S.M. et al. (2016), Corneal Power, Anterior Segment Length and Lens Power in 14-year-old Chinese Children: the Anyang Childhood Eye Study. Sci Rep. 6: p. 20243.
  7. Guillon M. et al. (2016), The Effects of Age, Refractive Status, and Luminance on Pupil Size. Optom Vis Sci. 93(9): p. 1093-100.

( Nguồn: Số 518, tháng 9/2022, Tạp chí Y Học Việt Nam, trang 131-137, link full tạp chí: Pdf Link)