Ngô Hải Linh1, Nguyễn Thị Thu Phương1
1Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội
Chịu trách nhiệm chính: Ngô Hải Linh
Email: hlinh.tq@gmail.com
Ngày nhận bài: 30/7/2022
Ngày phản biện khoa học: 15/08/2022
Ngày duyệt bài: 30/08/2022
SUMMARY
MEASUREMENTS OF THE UPPER AIRWAY OF 12 – 15 YEAR-OLD CHILDREN IN THE CORRELATION WITH CLASS II MALOCCLUSION ON CEPHALOMETRIC FILM
Objective: the aim was to describe data for the cephalometric measurements of the upper airway of 12 – 15 year-old children in the correlation with class II malocclusion by maxillary protrusion or mandibular retrusion. Subjects and Methods: A cross-sectional descriptive study on 72 Cephalometric films of 12 – 15 year-old children in the correlation with class II malocclusion was divided into 2 groups (Group 1: 36 maxillary protrusion, group 2: 36 mandibular retrusion ). Results: Group 1: Nasal width: 17.72±3.03 mm; oropharynx width: 11.36±2.83 mm; pharynx width: 12.91±2.91 mm; throat length: 54.71±4.93 mm; H-MP:9.67±3.73 mm; H-C3:33.64±3.37 mm. Group 2: Width of nasopharyngeal: 15.38±2.55 mm; oropharynx width: 9.93±2.07 mm; pharynx width: 11.50±2.47 mm; pharynx length: 58.62±4.95 mm; H-MP:12.64±5.17 mm; H-C3: 31.27±3.15 mm. Conclusion: On the cephalometric radiograph of 12-15 year-old children in the correlation with class II malocclusion, the tongue length of boys is larger than that of girls, the hyoid bone in boys descends downward and forward more than in girls. In the mandibular retrusion group: the size of the anteroposterior airway is smaller, the vertical airway length is larger, the hyoid bone is downward and forward than that of the maxillary protrusion group. The size of the anteroposterior airway depends on the magnitude of the SNB angle, the larger the SNB angle, the larger the anteroposterior airway size.
Key Words: upper airway, hyoid bone, cephalometric
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cấu trúc hầu họng và cấu trúc sọ – mặt đã được chứng minh có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sai khớp cắn loại II là một biến dạng răng mặt gây ra bởi sự phát triển bất thường của xương, thường liên quan với sự lùi xương hàm dưới hoặc kém tăng trưởng xương hàm dưới so với tầng mặt trên. Tình trạng dị dạng này cũng liên quan đến sự bất thường về mặt chức năng, chủ yếu là đường hô hấp trên và khớp thái dương hàm.
Xương móng đóng một vai trò quan trọng trong các chức năng sinh lý như ăn, hô hấp và nói. Trong suốt hai thập kỷ trước, người ta đã chú ý đáng kể đến vị trí của xương móng so với khung xương mặt.
Nghiên cứu về đường hô hấp trên và mối quan hệ của nó với khớp cắn đã được các bác sĩ lâm sàng công nhận là cực kỳ quan trọng trong chẩn đoán là lập kế hoạch điều trị chỉnh nha vì mối liên quan của chúng với các rối loạn hô hấp tắc nghẽn, đặc biệt là hội chứng ngưng thở khi ngủ. Việc chẩn đoán và điều trị sớm các rối loạn đường thở tắc nghẽn đã được chứng minh là có thể giúp hình thái răng – mặt trở lại gần như hoàn toàn bình thường.
Đánh giá hình thái của đường thở hầu họng có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như conbeam CT, Cephalometric, MRI. Phương pháp thường được sử dụng nhất hiện nay là phân tích trên phim Cephalometric do chi phí thấp, thuận tiện và cung cấp thông tin đầy đủ, đáng tin cậy.
Ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu về đường thở đã được thực hiện; tuy nhiên, nghiên cứu về kích thước đường hô hấp trên và vị trí xương móng ở bệnh nhân sai khớp cắn loại II vẫn còn hạn chế. Do vậy, chúng tôi thực hiện đề tài: “Kích thước vùng hầu họng của trẻ 12 – 15 tuổi có tương quan xương loại II trên phim Cephalometric”
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Tiêu chuẩn lựa chọn
– Phim Cephalometric của trẻ 12 – 15 tuổi có tương quan xương loại II (góc ANB > 4°).
– Chất lượng phim tốt. Hình ảnh chụp phim thấy:
+ Môi để tự nhiên, răng hai hàm ở vị trí lồng múi tối đa.
+ Hai lỗ ống tai trùng nhau.
+Bờ nền xương hàm dưới tương đối trùng nhau.
+ Lấy rõ được phần mềm và phần xương.
2.2. Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp mô tả cắt ngang
Các bước tiến hành nghiên cứu
– Bước 1: lựa chọn 72 phim Cephalometric có tương quan xương loại II (góc ANB > 4°) và đáp ứng các tiêu chuẩn lựa chọn, chia thành hai nhóm:
Nhóm 1: 36 phim có góc SNA = 80° – 84°, góc SNB < 78°
Nhóm 2: 36 phim có góc SNA > 84°, góc SNB 78° – 82°.
– Bước 2: Tiến hành xác định các điểm mốc bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh PhotoScape. Đo đạc các chỉ số trên phim Cephalometric bằng phần mềm Blu Sky Plan 4.
– Bước 3: Nhập và xử lý số liệu.
– Bước 4: Viết báo cáo đề tài.
Một số chỉ số nghiên cứu:
– Chiều dài lưỡi (TGL): Khoảng cách giữa 2 điểm TT – Eb.
– Chiều cao lưỡi (TGH): Khoảng cách tối đa từ đường lưng lưỡi vuông góc đến đường nối Eb-TT.
– Chiều rộng vùng họng mũi (SPAS): Độ rộng của đường thở phía sau vòm miệng mềm dọc theo đường thẳng song song với đường Go – B.
– Chiều rộng vùng họng miệng (MAS): Độ rộng của đường thở dọc theo đường thẳng đi qua điểm P và song song với đường Go – B.
– Chiều rộng vùng họng thanh quản (IAS): Độ rộng của đường thở ở dưới thông qua đường Go-B).
– Chiều dài vùng họng theo chiều đứng (VAL): Khoảng cách giữa hai điểm gai mũi sau (PNS) và nền của nắp thanh môn (Eb).
– Góc LAH-MP: Góc tạo bởi trục dọc thân xương móng và mặt phẳng hàm dưới.
– Góc LAH-PP: Góc tạo bởi mặt phẳng hàm trên và trục dọc thân xương móng.
– Góc LAH-FH: Góc tạo bởi trục dọc thân xương móng và mặt phẳng Frankfort.
– Góc C3HD: Góc tạo bởi hai đường C3 – H và H – D được coi là góc xương móng.
– Khoảng cách từ xương móng đến mặt phẳng hàm dưới (MPH): khoảng cách vuông góc từ điểm trước nhất của xương móng (H) đến mặt phẳng hàm dưới.
– HH1: Khoảng cách vuông góc từ điểm trước nhất xương móng (H) đến đường nối C3 và RGN.
– H-RGN: Khoảng cách giữa điểm trước nhất xương móng (H) và RGN.
– C3-H: Khoảng cách giữa điểm trước nhất xương móng (H) và C3.
Xử lý số liệu
– Số liệu được nhập và xử lý bằng phần mềm SPSS 22.0
– Chúng tôi dùng T-test để so sánh 2 giá trị trung bình.
– Khi so sánh 3 giá trị trung bình nếu phương sai giống nhau chúng tôi dùng thuật toán Anova để kiểm định, trường hợp phương sai khác nhau chúng tôi dùng kiểm định Kruskal – Wallis.
– p < 0.05 được chúng tôi xem như có ý nghĩa thống kê.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu được thực hiện trên 72 phim, chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm gồm 36 phim. Trong đó có 55.6% là nam và 44.4% là nữ, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về giới và tuổi giữa hai nhóm.
Bảng 1. Kích thước lưỡi
Chiều dài lưỡi của nam lớn hơn nữ ở cả hai nhóm và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p=0.02 và p=0.04). Chiều cao lưỡi của nam lớn hơn nữ ở cả hai nhóm. Tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0.05). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kích thước lưỡi giữa hai nhóm.
Bảng 2. Kích thước vùng họng
Kích thước vùng họng ở nhóm 1 lớn hơn nhóm 2 ở các chỉ số: Chiều rộng vùng họng mũi, Chiều rộng vùng họng miệng, Chiều rộng vùng họng thanh quản và nhóm 1 nhỏ hơn nhóm 2 ở chỉ số Chiều dài vùng họng theo chiều đứng. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0.05).
Biểu đồ 1. Mối tương quan giữa góc SNB và chiều rộng vùng họng mũi
Chiều rộng vùng họng mũi có mối tương quan thuận chiều với góc SNB theo phương trình: Chiều rộng vùng họng mũi = 0.47*SNB – 19.86
Biểu đồ 2. Mối tương quan giữa góc SNB và chiều rộng vùng họng miệng
Chiều rộng vùng họng miệng có mối tương quan thuận chiều với góc SNB theo phương trình: Chiều rộng vùng họng miệng = 0.27*SNB – 10.61
Biểu đồ 3. Mối tương quan giữa góc SNB và chiều rộng vùng họng thanh quản
Chiều rộng vùng họng thanh quản có mối tương quan thuận chiều với góc SNB theo phương trình: Chiều rộng vùng họng thanh quản = 0.24*SNB – 6.92
Bảng 3. Tương quan vị trí của xương móng với cột sống cổ và xương hàm dưới theo giới tính
Ở nhóm 1, Các chỉ số góc giữa xương móng với mặt phẳng hàm dưới, hàm trên, Frankfort của trẻ nam lớn hơn trẻ nữ. Góc tạo bởi đốt sống cổ 3, xương móng và cằm ở trẻ nam nhỏ hơn trẻ nữ. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0.05)
Bảng 4. Vị trí của xương móng trong mối tương quan với cột sống cổ và xương hàm dưới.
Khoảng cách từ xương móng đến mặt phẳng hàm dưới ở nhóm 1 nhỏ hơn nhóm 2 và khoảng cách từ đốt sống cổ 3 đến xương móng ở nhóm 1 lớn hơn nhóm 2, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0.01). Khoảng cách từ xương móng đến đường thẳng nối đốt sống cổ 3 và điểm sau nhất của cằm cũng như khoảng cách từ xương móng đến điểm sau nhất của cằm ở nhóm 1 nhỏ hơn nhóm 2, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0.05)
IV. BÀN LUẬN
Qua bảng 1, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt về chiều dài lưỡi giữa nam và nữ, chiều dài lưỡi của nam lớn hơn nữ ở cả hai nhóm đối tượng nghiên cứu. Kết quả này của chúng tôi tương đồng với kết quả nghiên cứu của Hoàng Thị Kim Duyên trên phim Cephalometric của 65 trẻ 12 tuổi có khớp cắn bình thường.
So sánh kích thước đường thở theo chiều trước sau và chiều đứng, chúng tôi thấy kích thước vùng họng theo chiều trước sau ở nhóm vẩu xương hàm trên lớn hơn nhóm lùi xương hàm dưới và có tương quan thuận
chiều với góc SNB. Chiều dài vùng họng theo chiều đứng ở nhóm lùi xương hàm dưới lớn hơn nhóm vẩu xương hàm trên.
Xương móng ở trẻ nam có xu hướng xuống dưới và ra trước hơn trẻ nữ. Xương móng ở nhóm lùi xương hàm dưới có xu hướng xuống dưới và lui sau hơn nhóm vẩu xương hàm trên.
Kết quả của chúng tôi tương đồng với nghiên cứu của Cheng J và cộng sự năm 2020. Cheng J thực hiện nghiên cứu trên 180 phim Cephalometric ở 3 loại khớp cắn và kết luận góc SNB càng lớn, xương móng càng ra trước và kích thước đường thở theo chiều trước sau càng lớn.
Bảng 5. So sánh vị trí của xương móng với nghiên cứu khác
So sánh với nghiên cứu của Samare M. trên 110 phim Cephalomatric trong đó có 36 phim tương quan xương loại II ở Iran, kết quả của chúng tôi có sự tương đồng là nam có xương móng ở vị trí thấp hơn và trước hơn so với nữ. Nghiên cứu của chúng tôi có kết quả lớn hơn về khoảng cách từ xương móng đến đốt sống cổ 3 nhưng có kết quả nhỏ hơn về khoảng cách giữa xương móng với điểm sau nhất của cằm với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Như vậy có sự khác biệt giữa nghiên cứu của chúng tôi với nghiên cứu khác ở đối tượng người Tây Á nhưng lại có sự tương đồng với kết quả của Hoàng Thị Kim Duyên trên người Việt Nam ( H-C3 = 32.53±3.38 mm). Sự khác biệt có thể do đặc điểm nhân chủng học của người Việt Nam khác người Tây Á.
V. KẾT LUẬN
Trên phim sọ nghiêng của trẻ 12 – 15 tuổi có tương quan xương loại II thì chiều dài lưỡi của trẻ nam lớn hơn trẻ nữ, xương móng ở trẻ nam xuống dưới và ra trước hơn trẻ nữ. Ở nhóm lùi xương hàm dưới: kích thước đường thở theo chiều trước sau nhỏ hơn, chiều dài đường thở theo chiều đứng lớn hơn, xương mòng xuống dưới và lui sau hơn nhóm vẩu xương hàm trên Kích thước đường thở theo chiều trước sau phụ thuộc độ lớn góc SNB, góc SNB càng lớn kích thước đường thở theo chiều trước sau càng lớn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hoàng Thị Kim Duyên và cộng sự. Một số kích thước hầu họng trên phim sọ nghiêng từ xa của nhóm trẻ 12 tuổi có khớp cắn bình thường tại Hà Nội. Tạp chí Y học Việt Nam. 2018;469(8):tr. 212-217.
- Cheng J. Relationship between hyoid bone and pharyngeal airway in different skeletal patterns. Journal of Dental Sciences (2020) 15, p. 286-293.
- Samare M. Hyoid bone position in different facial skeletal patterns. J Clin Exp Dent. 2018;10(3):p. 346-351.
( Nguồn: Số 518, tháng 9/2022, Tạp chí Y Học Việt Nam, trang 115-121 link full tạp chí: )